Truyền thông và giảm nghèo về thông tin - Chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện Kế Sách:
Giảm nghèo nhờ sự đồng hành

NGỌC HẢI 04:57, 07/11/2024

STO - Với các chương trình đồng hành với đoàn viên, thanh niên, thời gian qua, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã tiếp thêm “năng lượng” cho đoàn viên, thanh niên vững bước trên con đường thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình và có cuộc sống ổn định, hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Theo Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Kế Sách Hồ Văn Lâm, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện (gọi tắt là Huyện hội) thường xuyên đồng hành với đoàn viên, thanh niên trên con đường lập nghiệp. Đối với những đoàn viên, thanh niên có điều kiện sản xuất, kinh doanh, Huyện đoàn, Huyện hội đã tổ chức các chuyến đi tham quan, giới thiệu những mô hình làm ăn hiệu quả để đoàn viên, thanh niên trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tìm hướng đi trên con đường lập nghiệp. Từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị đã tổ chức nhiều chuyến tham quan mô hình thanh niên khởi nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên tại các xã: An Mỹ, Nhơn Mỹ, Kế An, Đại Hải và An Lạc Tây. Đây là một trong những hoạt động tạo điều kiện cho cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tham gia trải nghiệm các mô hình thực tế và học tập kinh nghiệm. Giải quyết vấn đề "khát" vốn, các cơ sở đoàn làm tốt công tác ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp đoàn viên, thanh niên hiện thực hóa mô hình đang hướng đến.

Gần đây, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện tổ chức chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp tại xã Nhơn Mỹ với mô hình trồng ổi trân châu ruột đỏ kết hợp nuôi ốc bươu đen của đoàn viên Nguyễn Thanh Tuyền, ấp An Phú Đông, xã Nhơn Mỹ.

Đoàn viên Nguyễn Thanh Tuyền, ấp An Phú Đông, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thu nhập trên 90 triệu đồng/năm từ vườn ổi trân châu ruột đỏ. Ảnh: NGỌC HẢI
Đoàn viên Nguyễn Thanh Tuyền, ấp An Phú Đông, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thu nhập trên 90 triệu đồng/năm từ vườn ổi trân châu ruột đỏ. Ảnh: NGỌC HẢI

Chia sẻ về con đường lập nghiệp, Thanh Tuyền cho biết, con đường đó không dễ dàng bước đi. Trước hết, mỗi đoàn viên, thanh niên cần xác định thực hiện mô hình nào, nắm chắc kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đầu ra có ổn định không và xoay vốn từ đâu. “Em được cha mẹ cho 5 công đất để canh tác. Trước đây, em trồng xoài, ổi Đài Loan, ban đầu cũng cho lợi nhuận nhưng về sau giá trái cây bắt đầu sụt giảm. Có thời điểm bán 1kg chỉ có 1.000 đồng nhưng không ai mua. Rồi em cũng nghiên cứu thay đổi, bắt đầu lại từ đầu. Cuối cùng em quyết định đốn hết xoài, ổi Đài Loan để trồng ổi trân châu ruột đỏ. Cây trồng này dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, năng suất cao, được cái là đầu ra, giá cả bây giờ cũng ổn định. Về vốn, em được Đoàn xã Nhơn Mỹ giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh cho em 50 triệu đồng. Có vốn, em mua 500 cây ổi, cải tạo lại vườn và phân, thuốc bắt đầu hành trình lập nghiệp”, Thanh Tuyền chia sẻ.

Sau 8 tháng trồng, vườn ổi đã cho trái nhưng Tuyền dưỡng cây nên không để trái nhiều, chỉ bán được tầm 70kg. 3 tháng sau, Tuyền bắt đầu thu hoạch trái, với sản lượng được tầm 1 tấn/tháng. Giá ổi dao động từ 4.000 - 13.000 đồng/kg, nếu tính bình quân mỗi năm Tuyền thu nhập được trên 90 triệu đồng. Thanh Tuyền cho biết: “Vườn ổi nhà em bây giờ cứ cách 5 ngày cắt 1 lần, mỗi lần được hơn 200kg. Giờ cây cho trái quanh năm, cây càng lâu năm trái càng nhiều. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, em đã tham gia lớp dạy nghề trồng ổi mở ở ấp để bổ sung thêm kiến thức. Tận dụng mương quanh vườn, em thả nuôi ốc bươu đen. Thức ăn cho ốc chủ yếu tự nhiên nên em không tốn nhiều chi phí, mỗi tháng em bắt ốc bán được 3,5 triệu đồng”.

Tiếp đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, Tuyền sẵn lòng chia sẻ những điều mình biết, cách trồng và chăm sóc ổi trân châu ruột đỏ đảm bảo đạt năng suất cao. Những đoàn viên, thanh niên có nhu cầu mua cây giống, Tuyền sẽ cung cấp đầy đủ. Hiện em đang mong muốn có thêm vốn tầm 50 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới phun tự động.

Phó Bí thư Đoàn xã Nhơn Mỹ Nguyễn Hoàng Khang thông tin, mô hình trồng ổi trân châu ruột đỏ, nuôi ốc bươu đen của đoàn viên Thanh Tuyền được đoàn thanh niên nhân rộng để các bạn đoàn viên, thanh niên đến học tập kinh nghiệm. Đây được cho là mô hình thoát nghèo hiệu quả, tiêu tốn ít thời gian, khoảng 1 năm đã có thu nhập ổn định. Hiện Đoàn xã có 71 đoàn viên, số đoàn viên thuộc hộ nghèo không còn nữa. Đây là kết quả đáng mừng và Đoàn xã sẽ tiếp tục duy trì, tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên phấn đấu, tăng gia sản xuất, cần cù lao động để đời sống kinh tế ngày càng nâng lên”.

Việc tổ chức các chuyến đi tham quan thực tế mô hình trồng trọt, chăn nuôi giúp đoàn viên, thanh niên định hình cần làm gì trên con đường lập nghiệp. Ảnh: NGỌC HẢI
Việc tổ chức các chuyến đi tham quan thực tế mô hình trồng trọt, chăn nuôi giúp đoàn viên, thanh niên định hình cần làm gì trên con đường lập nghiệp. Ảnh: NGỌC HẢI

Cùng đồng hành với đoàn viên, thanh niên lập nghiệp, Huyện đoàn và Huyện hội Kế Sách tiếp tục nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả trong thanh niên như: mô hình nuôi lươn trong bể bạt của thanh niên Thạch Thị Liên, xã Kế Thành; mô hình nuôi ếch thương phẩm kết hợp nuôi cá rô của thanh niên Sơn Văn Giào, xã Kế An; mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kín của đoàn viên Mai Trương Chí Tâm, thị trấn An Lạc Thôn; mô hình nuôi ong của thanh niên xã An Lạc Tây.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì mô hình Tổ hợp tác cây ăn trái 26/3 tại ấp Xóm Chòi, xã Kế An; ra mắt Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế, tại thị trấn Kế Sách. Có thể thấy rằng, việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và làm giàu tại khu vực nông thôn không phải là điều quá khó khăn, vấn đề là phải lựa chọn được hướng đi, cách làm một cách phù hợp. Với việc xây dựng các mô hình kinh tế nhóm, cùng giúp nhau phát triển là một hướng đi đúng đắn cần được nhân rộng, từ đó giúp tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong đoàn viên, thanh niên địa phương.

Mặt khác, đoàn thanh niên còn triển khai hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp cho đoàn viên Trần Văn Hòn, đoàn viên ấp An Hòa, xã An Lạc Tây với mô hình “Nuôi ong lấy mật tự nhiên trên phấn hoa”. Với việc hỗ trợ vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, đoàn thanh niên còn hỗ trợ các mô hình, sản phẩm sáng tạo của đoàn viên, thanh niên được ứng dụng vào thực tế, tiêu biểu như: mô hình “Sản xuất mứt bưởi, rượu bưởi lên men tự nhiên, nguyên liệu thuần tự nhiên, tận dụng trọn vẹn trái bưởi, không gây lãng phí, thân thiện với môi trường”. Qua đó tạo động lực thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương.

Về vấn đề giải quyết việc làm, Huyện đoàn Kế Sách đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức Ngày hội việc làm cho đoàn viên, thanh niên, học sinh (bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến) tại UBND xã Trinh Phú. Các đoàn viên, thanh niên, học sinh đã được nghe các nhà tuyển dụng thông tin về nhu cầu tuyển dụng của công ty; tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước; chế độ tiền lương, các khoản phúc lợi người lao động được hưởng. Điều đó giúp các bạn trẻ được tiếp cận các thông tin cần thiết về nhu cầu việc làm, xác định nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân, từ đó góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại địa phương.

Với sự đồng hành của tổ chức đoàn thanh niên và hội liên hiệp thanh niên, mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ tự tin hơn trên con đường lập nghiệp và tập trung thực hiện mô hình kinh tế, vượt khó, thoát nghèo, hướng đến khá, giàu trên mảnh đất quê hương. Điều đó góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa phương.

NGỌC HẢI