Hiệu quả từ các mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế

05:37, 29/06/2024

STO - Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) quan tâm đến việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình. Chính vì vậy, hội lồng ghép nhiều nguồn lực nhằm tạo sinh kế, trợ giúp phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn từng bước phát triển kinh tế, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập hộ gia đình.

Điển hình như bà Trà Thị Chanh Phương, ngụ ấp Tân Qui B, xã Tân Hưng được biết đến là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, siêng năng trong lao động sản xuất. Đồng thời, cũng là tấm gương tiêu biểu trong việc nuôi dạy con chăm ngoan học giỏi, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững. Trước đây, gia đình bà Phương có ít đất sản xuất và thuộc diện hộ nghèo. Để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, mỗi buổi sáng bà Phương phải đạp xe quanh ấp để bán đồ ăn sáng. Thấy cuộc sống gia đình bà Phương còn nhiều khó khăn, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho bà tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Bà Trà Thị Chanh Phương chia sẻ: “Vợ chồng tôi có một thời gian gửi con cho ông bà chăm sóc để làm ăn xa. Mặc dù chăm chỉ làm ăn, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám, nên vợ chồng quyết định trở lại quê tìm kế sinh nhai. Thấy trong ấp chưa có ai bán đồ ăn sáng, tôi quyết định làm xôi, bánh mì chạy theo tuyến đường đal trong ấp để bán. Bán từ sáng sớm đến trưa về nhà nấu cơm lo cho con đi học, tiền lời từ mỗi buổi sáng kiếm được từ 80 - 100 nghìn đồng, đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Riêng chồng tôi đi làm thuê để có tiền phụ với tôi lo cho cuộc sống gia đình. Thấy gia đình tôi thuộc diện khó khăn, chính quyền địa phương xét cho tôi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được 20 triệu đồng. Khi có vốn, tôi mở tiệm bán ăn sáng tại nhà, không còn phải chạy xe đạp đi bán khắp xóm, đỡ vất vả hơn trước nhiều. Hiện nay, đời sống gia đình tôi ổn định, con cái được ăn học, xây được nhà mới, hết chịu cảnh mưa tạt gió lùa. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước quan tâm đến những người nghèo như vợ chồng tôi”.

Hay như gia đình chị Lý Thị Na Uy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ko Kô, xã Tân Hưng cũng thành công với mô hình trồng lúa kết hợp chăn nuôi heo, bò và mỗi năm mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

 Bà Lý Thị Na Uy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ko Kô, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) bên chuồng bò của gia đình. Ảnh: KIM NGỌC

Trò chuyện với chúng tôi, chị Na Uy cho biết, nhà có 2 chị em, người em lập gia đình sống bên chồng, còn chị sống với cha mẹ. Được giới thiệu tham gia Chi hội Phụ nữ ấp, chị Na Uy được tiếp cận vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư vào việc chăn nuôi. Hôm chúng tôi ghé thăm, trong chuồng của gia đình chị Na Uy có hơn chục con heo lứa và 3 con bò. Theo chị Na Uy, gia đình mới bán bò xong, chỉ để lại bò cái làm giống. Chị Na Uy tính toán, bò thịt nuôi đến khi xuất chuồng sau 1 năm, trọng lượng 500kg/con. Nếu giá bò thịt ổn định từ 80 - 81 nghìn đồng/kg, một con bò thịt xuất chuồng khoảng 40 triệu đồng. Trừ chi phí tiền giống, thức ăn, thuốc thú y… mỗi con bò thịt lãi từ khoảng 15 triệu đồng, tương đương 1 - 1,2 triệu đồng/tháng. Riêng đàn heo hơn chục con chưa đủ trọng lượng để xuất bán. Mỗi năm, gia đình chị Na Uy nuôi 3 đợt heo thịt, thu về lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng. Đối với đất trồng lúa, vụ vừa qua, nhờ bán được giá, gia đình thu lời 40 triệu đồng.

Đồng chí Võ Thị Phương Quyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hưng cho biết: “Thời gian qua, hội rất quan tâm đến việc triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn từng bước phát triển kinh tế, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập hộ gia đình. Theo đó, hằng năm hội đều duy trì giúp vốn cho chị em khởi nghiệp thông qua các nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ đề nghị UBND xã, trung tâm dạy nghề mở các lớp học nghề, nhằm giúp chị em phụ nữ ở nông thôn có được việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.

KIM NGỌC