Năm 2008, Trường Khánh được tỉnh chọn là 1 trong 10 xã đầu tiên thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới. Thời điểm đó, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của xã Trường Khánh còn chậm phát triển; đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn; lưới điện, đường giao thông nông thôn, trường học và trạm y tế chưa được đầu tư nhiều; sản xuất, chăn nuôi chủ yếu hộ gia đình, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Thế nhưng giờ đây, đường giao thông đến tận ngõ xóm, giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng; số hộ có điện sử dụng đạt gần 100%, tỷ hộ dân có nước sạch sử dụng đạt 96,47%. Diện mạo văn hóa nông thôn được đầu tư, nâng cấp khang trang, các ấp đều có nơi để người dân luyện tập thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; đường làng, ngõ xóm được người dân dọn dẹp, trồng hoa xanh - sạch - đẹp.
Theo cựu chiến binh Trương Minh Hùng, ấp Trường Thành B, xã Trường Khánh, trước đây, xã Trường Khánh rất khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng của người dân, xã Trường Khánh đã thay đổi rất nhiều. Trước đây là cầu khỉ, đi lại khó khăn, nhất là các em học sinh đi học, nay thay đổi bằng cầu bêtông; đường giao thông nông thôn liền mạch kết nối các ấp; điện sinh hoạt, trạm y tế, trường học đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cựu chiến binh Trương Minh Hùng, ấp Trường Thành B, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) bên cây cầu bêtông mới xây xong. Ảnh: KIM NGỌC
Những năm gần đây, Trường Khánh đã phát huy tốt các hình thức làm ăn liên kết tập thể, luôn đi đầu trong việc sử dụng và nhân giống lúa mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa nên sản lượng lúa tăng liên tục hằng năm. Trên địa bàn xã đang duy trì cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa với hơn 600ha, có gần 700 hộ tham gia; chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao so với ngoài vùng từ 10 - 15%; cơ giới hóa 100% vào đồng ruộng trong sản xuất nông nghiệp.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Thạch Rết, ngụ ấp Trường An, xã Trường Khánh cho biết: "Khi tham gia vào mô hình cánh đồng mẫu lớn, tôi tiết kiệm chi phí sản xuất, mà giá lúa khi bán cũng cao hơn so với lúa sản xuất ngoài mô hình. Bởi vì, người dân sản xuất trong mô hình cánh đồng mẫu lớn sử dụng giống lúa nguyên chủng, giống xác nhận, tạo ra sản phẩm chất lượng, không lẫn tạp chất. Ngoài ra, mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất với khối lượng hàng hóa lớn, tập trung, nên đầu ra sản phẩm dễ dàng và bán được giá cao hơn. Nông dân chúng tôi mong được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp tỉnh để sản xuất lúa ngày càng hiểu quả hơn trong thời gian tới”.
Ông Thạch Rết, ngụ ấp Trường An, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) thăm ruộng nhà trong cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: KIM NGỌC
Bên cạnh đó, xã Trường Khánh thành lập được 13 hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất. Các tổ hợp tác, hợp tác xã duy trì tốt hoạt động và đem lại nhiều lợi ích cho các thành viên. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP,) xã có 4 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được cập nhật lên sàn thương mại điện tử của tỉnh...
Các sản phẩm OCOP của xã Trường Khánh được trưng bày để quảng bá tại những sự kiện quan trọng của huyện, tỉnh. Ảnh: KIM NGỌC
Công tác giảm nghèo bền vững được xã quan tâm và chỉ đạo đồng bộ, thiết thực và có phân công từng đồng chí cấp ủy phụ trách hộ nghèo để có hướng dẫn tìm cách làm ăn, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn, động viên chí thú làm ăn, cải thiện cuộc sống gia đình, thoát nghèo một cách bền vững. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 187 hộ, chiếm 5,48%; hộ cận nghèo 178 hộ, chiếm 5,21%.
Ông Liên Khanh, ấp Trường Thọ, xã Trường Khánh chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo phất lên thấy rõ. Nhờ được hỗ trợ con giống, vật nuôi, cây trồng, hộ nghèo, hộ cận nghèo tìm được hướng đi trên con đường thoát khỏi cuộc sống khó khăn”.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, chỉ sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngày 27/6/2015, xã Trường Khánh được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”. Hiện xã đang tiếp tục duy trì và nâng chất các tiêu chí đã đạt, phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhi - Chủ tịch UBND xã Trường Khánh cho biết: “Thời gian tới, xã tập trung đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, mở rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nhằm tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập cho người dân; sản xuất theo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Đồng thời, tiếp tục nâng chất các sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng khác của địa phương; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, giúp cho hộ nghèo thoát nghèo một cách bền vững, đạt chỉ tiêu nghị quyết; tập trung vận động, tuyên truyền, củng cố, rà soát các tiêu chí nông thôn mới, nâng chất và phát triển thực hiện xã nông thôn mới nâng cao. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Trường Khánh quyết tâm thực hiện hoàn thành các tiêu chí mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025”.
Trường Khánh hôm nay đã thật sự khoác lên mình một diện mạo mới. Tin rằng, với sự quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân sẽ xây dựng xã Trường Khánh ngày càng giàu đẹp và văn minh.
KIM NGỌC - THANH ĐỒNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin