Thời gian qua, huyện Long Phú triển khai và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới. Theo đó, trong 5 năm qua (giai đoạn 2019 - 2024), huyện Long Phú đã đầu tư cơ sở hạ tầng 38 công trình và duy tu bảo dưỡng 40 công trình với tổng kinh phí thực hiện là 22 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 530 hộ với kinh phí thực hiện trên 4 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện Long Phú tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách, giải pháp tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề phi nông nghiệp, góp phần cải thiện thu nhập cho người lao động tại địa phương.
Trong 5 năm, huyện Long Phú đã giải quyết việc làm mới cho 2.688 lao động, vượt 7,52% chỉ tiêu nghị quyết, trong đó, lao động làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài 34 người, vượt 54,55% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 70% so năm 2020. Từ năm 2019 đến năm 2024, các ngành phối hợp mở 95 lớp đào tạo nghề cho 1.715 người ở các xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS với tổng kinh phí trên 1,1 tỷ đồng; đồng thời giải quyết việc làm ở các xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS nhiệm kỳ 2019 - 2024 cho 1.525 người, lao động làm việc nước ngoài 9 người. Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện cho 17.927 lượt hộ vay vốn với số tiền trên 528 tỷ đồng, trong đó, hộ DTTS 4.122 lượt hộ với tổng số tiền trên 123 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, đồng bào DTTS nghèo, khó khăn có điều kiện để triển khai nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Điển hình như hộ bà Thạch Thị Sà Phol, ngụ ấp Kinh Ngang, xã Long Phú, huyện Long Phú. Trước đây, gia đình gặp khó khăn về kinh tế, do thiếu vốn và thiếu tư liệu để sản xuất. Chính quyền địa phương biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên tạo điều kiện cho bà Phol tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Phol chia sẻ: “Tôi chỉ có 2 công đất để trồng lúa, trong quá trình làm ruộng hay bị thất mùa, mất giá nên phải cố đất cho một người quen trong xóm. Biết được gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn, Chi hội Phụ nữ ấp tạo điều kiện cho tôi được vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được 40 triệu đồng. Với số tiền đó, tôi mua bò giống về nuôi, chuộc lại 2 công đất đã cầm cố trước đó để tiếp tục sản xuất”.
Hôm chúng tôi ghé thăm, đàn bò của bà Phol đã hơn 10 con, trong đó có 5 con bò sinh sản. Mỗi ngày, bà Phol dành nhiều thời gian cắt cỏ cho bò ăn và làm vệ sinh chuồng trại, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh. Ngoài thời gian chăm sóc bò, bà Phol trồng thêm sen lấy ngó, tận dụng bờ bao trồng thêm các loại rau màu, cải thiện thu nhập cho gia đình.
Chị Triệu Thị Phol Ly - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Kinh Ngang, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đang vệ sinh chuồng heo nái sinh sản. Ảnh: KIM NGỌC
Hay chị Triệu Thị Phol Ly - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Kinh Ngang, xã Long Phú nhờ Hội Liên hội Phụ nữ xã giới thiệu vay vốn 150 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi heo mà giờ đây kinh tế gia đình phát triển ổn định. Hiện tại, đàn heo trong chuồng của chị Ly có 6 con heo nái và 15 con heo thịt; mỗi năm cho xuất chuồng 3 đợt, thu về lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Tính nguồn thu nhập từ 1,8ha trồng lúa, gia đình chị Ly mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Khi kinh tế ổn định, chị Ly còn giúp đỡ các chị em phụ nữ trong ấp kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp heo giống cho chị em, khi nào có tiền các chị trả sau.
Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, xã hội vùng dân tộc Khmer luôn được chú trọng thực hiện. Bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống trong đồng bào Khmer cùng các loại hình về văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn huyện được giữ gìn và phát huy. Các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, các lễ hội văn hóa cổ truyền luôn được duy trì theo phong tục tập quán, như: Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sene Đôn Ta, lễ Dâng y Cà sa, lễ Dâng bông... Trên địa bàn huyện hiện có 5 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, gồm: Tứk Prăy, Bưng Kol, Bâng Cro Cháp Thmây, Bâng Cro Cháp Chắs và Săng Ker. Nhân dịp lễ, Tết, đoàn cán bộ huyện đến thăm, tặng quà cho các điểm chùa, cán bộ hưu trí, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn người dân tộc Khmer.
Chùa Săng Ker, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: KIM NGỌC
Đồng chí Thạch Hoàng Tha - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Long Phú cho biết, huyện sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh. Ngoài ra, huyện Long Phú tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển sản xuất để tăng giá trị thu nhập cho người lao động. Thực hiện có hiệu quả các chương trình giải quyết việc làm, đào tạo lao động trong độ tuổi; giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, trong đó, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, trọng tâm là thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ tạo sinh kế, phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, huyện tăng cường giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer. Song song đó, huyện Long Phú sẽ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng, kinh tế - xã hội nông thôn. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án tín dụng hỗ trợ cho hộ nghèo. Tập trung chỉ đạo rà soát, giải quyết cơ bản về đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, điện, nước sinh hoạt, mô hình sản xuất theo chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước...
KIM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin