Điển hình như ông Trần Ương, hội viên Chi hội CCB ấp Bưng Long, xã Long Phú, huyện Long Phú là một trong những nông dân đầu tiên ở xã Long Phú thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế, giúp ông thoát nghèo, trở thành hộ khá trong ấp. Năm 2019, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Ương quyết định mua 2 con bò giống cái về nuôi. Sau hơn 1 năm chăm sóc, bò cái bắt đầu sinh bê con, nâng đàn bò của gia đình lên 4 con. Ông Ương giữ lại bê cái để tăng đàn, bê đực nuôi bán thịt và mua thêm bê giống. Mỗi năm, ông Ương xuất bán từ 5 - 6 con bò thịt và bò giống. Theo ông Ương ước tính, sau 5 năm nuôi bò, đến nay tổng trị giá đàn hiện có và bò thịt đã xuất chuồng trên 700 triệu đồng. Năm 2020, gia đình ông tích lũy được số tiền lớn xây dựng nhà ở khang trang.
Hiện nay, ông Ương là thành viên của Hợp tác xã Bò thịt xã Long Phú. Để góp phần củng cố và phát triển lĩnh vực chăn nuôi bò thịt, ông Ương tích cực chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật, lai tạo giống bò cho các thành viên của hợp tác xã. Qua đó, giúp thành viên hợp tác xã là hội viên CCB phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Ông Trần Ương chia sẻ:
Trước đây, tôi nghèo lắm, đông con, ít đất sản xuất. Tôi được Nhà nước cho vay vốn để chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt. Nuôi bò thu nhập cao hơn làm ruộng. Nhà có 3 công đất ruộng, tôi chuyển hết qua trồng cỏ, do cỏ ngoài tự nhiên bây giờ không còn nhiều. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi nên tôi đã thành công.
Hội viên CCB Trần Ương, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: KIM NGỌC |
Cũng nhờ chăn nuôi bò mà CCB Đinh Ly, thương binh 3/4, ấp Bưng Thum, xã Long Phú đã thoát nghèo mấy năm nay, cất được nhà khang trang. Theo ông Ly, ban đầu ông vay được 10 triệu đồng để làm chuồng và nuôi 1 con bò cái giống. Sau khi hoàn vốn, ông Ly vay 35 triệu đồng để mua tiếp 2 con bò cái sinh sản và mở rộng chuồng nuôi. Hôm chúng tôi đến thăm, ông mới bán 4 con bò thịt, trong chuồng còn lại 8 con, trong đó 4 con cái để nuôi sinh sản. Năm 2018, ông Ly được hỗ trợ nhà đồng đội 40 triệu đồng, cộng với vốn tích lũy từ nuôi bò sinh sản và bò thịt để xây dựng nhà ở khang trang như hiện nay.
Hay hội viên CCB Lý Vân, ngụ ấp Tân Qui B, xã Tân Hưng nỗ lực vươn lên thoát nghèo từ vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chăn nuôi heo, bò. Khi mới bắt đầu lập nghiệp, kinh tế gia đình của ông Vân gặp nhiều khó khăn, chạy vạy để lo từng cái ăn, cái mặc cho các thành viên trong gia đình. Năm 2022, ông Vân được tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn và được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, được hưởng 50% lãi suất cho vay đối với hộ dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Hội viên CCB Lý Vân, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) ổn định kinh tế gia đình nhờ phát triển mô hình chăn nuôi heo, bò. Ảnh: KIM NGỌC |
Từ nguồn vốn vay này, tích cóp của gia đình, ông Vân mua được 2 con bò giống và 3 con heo. Nhờ đam mê chăn nuôi, chịu khó tìm tòi, học hỏi và tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, đàn bò, heo của ông Vân luôn phát triển tốt. Trong chuồng lúc nào cũng có gần 20 con heo và bò. Ông Vân cho biết, thu nhập từ mô hình trên theo ước tính có thể hơn 90 triệu đồng/năm. Bây giờ, mô hình chăn nuôi của ông Lý Vân luôn được tổ viên của tổ tiết kiệm và vay vốn ấp tìm đến học hỏi kinh nghiệm để phát triển chăn nuôi.
Trong những năm qua, hội viên CCB huyện Long Phú luôn gương mẫu trong lao động sản xuất, tích lũy để thoát nghèo và nhiều hộ đang trở thành hộ khá, giàu. Hội CCB huyện Long Phú hoàn thành sớm chỉ tiêu xóa nhà tạm, xóa hộ hội viên nghèo. Thành công đó đã khẳng định được vai trò gương mẫu, nòng cốt của hội CCB trong thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng. Sự “bứt phá” này rất ý nghĩa bởi đã thể hiện được ý chí tự lực, tinh thần của các CCB quyết tâm thoát nghèo, xứng đáng với vai trò gương mẫu của mình trong lao động sản xuất.
Đồng chí Thạch Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Long Phú cho biết:
Hội CCB huyện Long Phú, đặc biệt là Hội CCB xã Long Phú, hội viên là dân tộc Khmer chiếm trên 90%. Những năm trước đây, hộ nghèo chiếm trên 15%, hội đã quyết tâm xóa nghèo, hội viên CCB không còn hội viên nghèo. Chủ yếu là hội viên chăn nuôi kết hợp với trồng trọt để đảm bảo cải thiện được đời sống. Đến thời điểm này, hội đã xóa hết nhà tạm.
Thời gian qua, phong trào “CCB gương mẫu”; phong trào thi đua “CCB giúp nhau vượt khó, thoát nghèo, làm kinh tế giỏi” luôn thôi thúc người lính không ngừng phấn đấu, tăng gia lao động sản xuất, tự lực vươn lên, làm giàu cho bản thân và góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hội CCB huyện đã tiên phong thực hiện đề án phát triển nghề nuôi bò thịt, làm nòng cốt trong thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi mô hình của hội viên là một điểm sáng để nhiều người rút kinh nghiệm, tạo ra phong trào chuyển đổi, phát triển kinh tế rộng khắp trên địa bàn huyện Long Phú.
KIM NGỌC - THANH ĐỒNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin