Huyện Mỹ Tú là một trong những địa phương có đông đồng bào DTTS của tỉnh Sóc Trăng, chiếm 25,97% tổng dân số toàn huyện, trong đó đông nhất là đồng bào Khmer với trên 22.000 người, tập trung chủ yếu ở 3 xã Phú Mỹ, Thuận Hưng và Mỹ Thuận. Với sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện, công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ và phát huy hiệu quả. Trong giai đoạn 2019 - 2024, huyện đã đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng 225 công trình giao thông nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, kinh tế, thiết chế văn hóa, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở địa phương. Đồng thời, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã hỗ trợ vốn cho 693 hộ, hỗ trợ tiền điện cho 4.693 hộ, cấp 8.124 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, 7.303 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, miễn, giảm học phí cho 8.353 học sinh thuộc hộ nghèo với tổng kinh phí trên 30,8 tỷ đồng. Huyện cũng đã đầu tư cho các xã, thị trấn gần 202 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, các xã có đông đồng bào DTTS trong huyện gồm: Mỹ Thuận, Thuận Hưng, Phú Mỹ đều đạt chuẩn nông thôn mới...
Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai trên địa bàn huyện với kinh phí gần 60 tỷ đồng. Từ chương trình đã hỗ trợ đất ở cho 1 hộ, nhà ở 118 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 53 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 64 hộ. Đồng thời xây dựng 9 công trình giao thông nông thôn tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng DTTS; duy tu, sửa chữa 6 công trình giao thông và xây dựng các mô hình hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, tổ chức các lớp đào tạo nghề; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS…
Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) được hỗ trợ bò sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Ảnh: TẤN PHÁT
Chị Trịnh Thị Ngọc Em, ấp Bố Liên 3, xã Thuận Hưng cho biết: “Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tôi lại bị tai nạn lao động nên chỉ phụ buôn bán cùng người thân. Thu nhập bấp bênh chỉ đủ trang trải cuộc sống nên không có điều kiện sửa chữa căn nhà xuống cấp. Nhờ được hỗ trợ từ các chương trình, dự án đối với đồng bào DTTS, tôi mới có điều kiện xây dựng căn nhà mới”.
Trong giai đoạn 2019 - 2024, huyện cũng đã triển khai đào tạo nghề cho 2.113 lao động là người DTTS, giải quyết việc làm cho 4.692 lao động là người DTTS. Đồng thời còn tạo điều kiện cho trên 4.600 lượt hộ DTTS vay vốn với tổng số tiền trên 165 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ 488 tấn gạo cho 3.295 hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS. Bằng nhiều giải pháp hỗ trợ cùng sự nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Đến năm 2024, 100% xã có đường ôtô đến trung tâm được trải nhựa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer còn 3,81%, giảm 6,98% so với năm 2019.
Ông Mã Lương Thiện, ấp Tá Biên, xã Phú Mỹ chia sẻ: “Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS ngày càng được đầu tư khang trang. Cùng với đó, đồng bào DTTS còn được hỗ trợ về vốn, cây, con giống, tập huấn khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế. Đối với bản thân tôi, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa trên diện tích 2ha và buôn bán nhỏ lẻ đã đem lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình từ đó cũng khấm khá”.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Mỹ Tú luôn quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa vùng đồng bào DTTS, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS được quan tâm thông qua việc tổ chức các hoạt động mừng lễ, Tết cổ truyền của đồng bào DTTS. Đồng thời các phong trào văn hóa, văn nghệ vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển, các xã, thị trấn có đội văn nghệ, đội phục vụ nhạc ngũ âm, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn huyện tích cực xây dựng và duy trì các tổ, nhóm văn nghệ Khmer như: nghệ thuật hát dù kê, múa rom vong, múa sadăm thu hút đông đảo thanh thiếu niên đồng bào DTTS tham gia.
Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: TẤN PHÁT
Ngoài ra, các chính sách về giáo dục, y tế được chú trọng triển khai đầy đủ, kịp thời. Từ đó, mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường đầu tư với tổng kinh phí 47 tỷ đồng. Hiện nay, toàn huyện có 38 trường với hơn 6.800 học sinh là người DTTS. Trong đó có 33/38 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 10 trường so với giai đoạn 2014 - 2019), 11/13 trường trên địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn quốc gia, 9 trường vùng đồng bào DTTS có dạy tiếng Khmer, 1 trường trung học cơ sở dân tộc nội trú. Huyện đã tổ chức cấp phát kinh phí hỗ trợ chi phí học tập cho 20.470 học sinh thuộc hộ nghèo với tổng kinh phí thực hiện trên 24 tỷ đồng theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, cấp phát học bổng cho 4.715 lượt học sinh thuộc hộ nghèo. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe đối với đồng bào DTTS luôn được quan tâm thực hiện tốt, nhất là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo,hộ vùng đặc biệt khó khăn. Huyện có 83/83 ấp có tổ y tế hoạt động, 8/9 xã, thị trấn có bác sĩ phục vụ, 100% ấp có cán bộ y tế, bình quân có 4,5 bác sĩ/10.000 dân, 20,5 giường bệnh/10.000 dân, 9/9 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền trong huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận về công tác dân tộc, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ người DTTS nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vùng đồng bào DTTS. Toàn huyện hiện có 745 đảng viên là người DTTS, 22 cán bộ, công chức là người DTTS. Đồng thời nhiều cán bộ, đảng viên người DTTS giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của huyện.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Tú, trong giai đoạn 2024 - 2029, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS mỗi năm đều tăng so với bình quân trên địa bàn huyện; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm đều giảm 2 - 3%. Đồng thời tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; quan tâm đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng vùng DTTS.
Bằng sự nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai các chương trình, dự án và chính sách dân tộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Mỹ Tú ngày càng được nâng cao. Từ đó đã góp phần tăng cường niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
TẤN PHÁT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin