Dấu ấn lịch sử mãi còn vang
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều cán bộ, đảng viên trong Xứ ủy Nam Kỳ, Đặc ủy Hậu Giang được bố trí về tỉnh Sóc Trăng hoạt động, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và gây dựng cơ sở cách mạng. Bên cạnh đó, một số thanh niên ở tỉnh Sóc Trăng đi học ở Cần Thơ, Sài Gòn được tiếp xúc với báo chí tiến bộ, được tuyên truyền giác ngộ về cách mạng, sau đó cũng về quê nhà Sóc Trăng tiếp tục hoạt động cách mạng. Phong trào cách mạng theo con đường cách mạng vô sản, giải phóng đất nước, giải phóng quê hương trong thời gian này được phát triển, các chi bộ đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng lần lượt được ra đời.
Riêng quận Châu Thành (tên gọi trước đây của huyện Mỹ Tú và huyện Châu Thành ngày nay), từ cuối năm 1932 đã có chi bộ ghép Trường Khánh - Châu Khánh (thời gian này làng Trường Khánh thuộc quận Châu Thành, làng Châu Khánh thuộc quận Long Phú). Chi bộ Đảng là nhân tố quyết định đưa phong trào cách mạng ở quận Châu Thành phát triển cùng với phong trào cách mạng của tỉnh Sóc Trăng và cả nước. Tháng 6/1946, Ban Cán sự Đảng quận Châu Thành được thành lập và đến tháng 7/1947 được chuyển thành Quận ủy Châu Thành do đồng chí Trà Văn Tốt làm Bí thư.
Huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TẤN PHÁT
Ngay từ khi mới thành lập, chi bộ (về sau là đảng bộ) đã xây dựng, phát triển lực lượng, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của trên một cách linh hoạt, sáng tạo, luôn kề vai sát cánh cùng nhân dân trong tỉnh và cả nước đấu tranh kiên cường, lập nhiều thành tích vẻ vang, góp phần cùng nhân dân cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, cùng với cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển đất nước.
Trong từng trang lịch sử Đảng bộ huyện Mỹ Tú đều ghi lại đậm nét về truyền thống anh hùng cách mạng, sự gắn bó sắt son với Đảng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Tú. Trong tâm thức của những người dân nơi đây, nhiều địa danh đã đi vào huyền thoại, trở thành mốc son chói lọi về ý chí kiên cường, lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, không khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Điển hình như Rừng tràm Mỹ Phước (xã Mỹ Phước) đã trở thành địa danh nổi tiếng với khu căn cứ vững chắc của Tỉnh ủy, chở che cho cách mạng suốt thời kỳ đánh Mỹ, rạch Cái Triết, ngã ba Chòm Tre, kinh Thầy Đường đã đi vào lịch sử với vai trò là Khu Công binh xưởng, cung cấp vũ khí chiến đấu trong tỉnh và một số tỉnh khác từ buổi ban đầu chống thực dân Pháp xâm lược.
Nhâm nhi tách trà trưa trong những ngày Tháng Tám lịch sử, ông Lê Trọng Hữu, ấp Phước An B, xã Mỹ Phước bồi hồi nhớ lại những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược. Ông cho biết: “Xã Mỹ Phước là vùng căn cứ địa cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến, là nơi từng hứng chịu nhiều trận “mưa bom, bão đạn” của địch. Tôi từng tham gia du kích địa phương từ năm 1967 nên hiểu được phần nào những gian khổ, tinh thần đấu tranh anh dũng của quân và dân địa phương. Thời điểm đó, dù nhiều lần bị địch càn quét, rải chất độc hóa học, nhưng quân và dân địa phương vẫn kiên cường đi theo Đảng, Bác Hồ, kiên trì đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng quê hương”.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương. Ảnh: TẤN PHÁT
Vững bước trên con đường đổi mới
Theo đồng chí Phạm Tuân - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mỹ Tú, trải qua 2 cuộc chiến tranh gian khổ, toàn huyện có 331 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện nay còn 5 bà mẹ còn sống), 2.758 liệt sĩ, 784 thương binh và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, gia đình có công không ngại hy sinh gian khổ, góp phần bảo vệ độc lập Tổ quốc. Để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Tú đã ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức thi đua lao động, sản xuất. Nhất là từ sau khi chia tách địa giới hành chính (đầu năm 2009) đến nay, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo chính quyền các cấp, nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Từ một huyện nghèo, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp, kinh tế chậm phát triển, đời sống người dân khó khăn, huyện Mỹ Tú đã và đang có sự khởi sắc rõ rệt. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện đã xác định và thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt. Xác định thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đến nay, diện tích lúa cao sản, đặc sản chiếm trên 93% diện tích xuống giống toàn huyện; đồng thời huyện cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giảm dần diện tích lúa sang trồng hoa màu và nuôi thủy sản phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng của các địa phương, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã chuyển đổi trên 700ha. Đồng thời, toàn huyện hiện có trên 350 cơ sở sản xuất, đóng góp giá trị sản xuất toàn ngành trên 790 tỷ đồng, có 9 chợ, trên 2.890 cơ sở kinh doanh với tổng mức luân chuyển hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn xã hội thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 3.870 tỷ đồng.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội được cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) quan tâm thực hiện tốt. Ảnh: TẤN PHÁT
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện triển khai hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung vào các tiêu chí chưa đạt, quan tâm nâng chất các tiêu chí đã đạt hoặc còn hạn chế. Đến nay, toàn huyện có 7/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. 100% xã, thị trấn trong huyện có nhà văn hóa, 33/38 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% các xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Đặc biệt, huyện đã triển khai thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tăng cường vận động, huy động các nguồn lực hợp pháp để chăm lo cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khó khăn. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện tổ chức tiếp nhận và cấp phát tổng cộng 11.727 phần quà với tổng trị giá 4,93 tỷ đồng, huy động các nguồn lực trong xã hội xây dựng 38 cây cầu giao thông nông thôn, 45 căn nhà với tổng trị giá 13,6 tỷ đồng. Từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện nay còn 0,61% (giảm bình quân hằng năm từ 2 - 3%).
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện, vùng căn cứ cách mạng xã Mỹ Phước đã thật sự đổi thay. Đồng chí Trần Văn Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước cho biết: “Diện mạo nông thôn địa phương đã và đang khởi sắc. Từ một nơi chịu nhiều vết thương chiến tranh, giờ đây hạ tầng nông thôn ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Xã cũng đã đạt 53/58 chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Với tư duy mới và khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Mỹ Tú đã luôn phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, đưa địa phương từng bước vượt qua khó khăn để ngày càng phát triển. Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân trong huyện, huyện Mỹ Tú sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
TẤN PHÁT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin