Hòa Tú 1 thuộc 6 xã vùng trong của huyện Mỹ Xuyên, điều kiện kinh tế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt khi Khu hành chính mới của huyện di dời về xã, hoạt động thương mại dịch vụ có bước phát triển mạnh, đời sống người dân ngày càng nâng cao. “Đây chính là điều kiện thuận lợi để địa phương nâng chất trong thực hiện các tiêu chí và quyết định chọn tiêu chí chuyển đổi số làm điểm nhấn. Bởi mục đích của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển” - đồng chí Lê Văn Tô - Chủ tịch UBND xã Hòa Tú 1 khẳng định.
Ghé thăm ấp Hòa Trực - ấp điểm về chuyển đổi số, hoạt động mua bán của người dân diễn ra khá sôi nổi. Ghi nhận tại cửa hàng tạp hóa của anh Nguyễn Văn Lâm, khách vào mua hàng có khoảng 50% là không trả tiền mặt. Theo chia sẻ của anh Lâm, để phục vụ nhu cầu thanh toán điện tử của người dân, anh tạo mã QR với 3 ngân hàng, đầu tư máy POS để quẹt thẻ ATM. Riêng anh Lâm, trong giao dịch với các đầu mối để lấy hàng hóa, sản phẩm về bán đều thực hiện chuyển khoản gần như 100%.
Người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng tạp hóa của anh Nguyễn Văn Lâm, ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN |
Chị Nguyễn Thanh Nhã, ấp Hòa Trực cho biết, khi được địa phương tuyên truyền, hướng dẫn về chuyển đổi số, gia đình chị đều trả tiền điện qua SmartBanking, hoạt động mua bán cũng thực hiện chuyển khoản. Bên cạnh đó, chị Nhã cũng nhận chuyển khoản hộ, trả tiền điện qua app… cho người dân trong xã, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện chuyển đổi số.
Đồng chí Huỳnh Minh Chữ - Bí thư Chi bộ ấp Hòa Trực cho biết, trước đây cần thông tin, tuyên truyền gì đến người dân phải mời họp hoặc đến tận nhà thông báo thì nay chỉ cần đăng lên các nhóm Zalo là mọi người đều nắm. Hiện ấp có 4 nhóm Zalo hoạt động của chi bộ, ban nhân dân, tổ công nghệ số cộng đồng và nhóm nuôi trồng thủy sản, với sự tham gia của 100% cán bộ ấp và đông đảo người dân. Đơn cử nhóm nuôi trồng thủy sản có hơn 80 người dân tham gia, mọi thông tin liên quan đến lịch thời vụ, khuyến cáo của ngành chức năng, giá cả thức ăn, con giống… đều được thông tin kịp thời đến các thành viên nhóm. Từ đó, giúp việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc chung của ấp được triển khai kịp thời, thuận lợi.
Việc triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số còn góp phần làm đổi thay nhiều mặt đời sống của người dân trên địa bàn xã. Theo đó có 70% (6.780/9.680) người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức về sử dụng máy tính và kỹ năng số cơ bản. Số dân trong độ tuổi lao động của xã là 10.617 người, trong đó có 8.960 người có sử dụng điện thoại thông minh, đạt tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh là 84,39%. 100% (3/3) sản phẩm OCOP (chả cá rô phi nước lợ, khô cá rô phi nước lợ một nắng, chà bông cá rô phi của hộ kinh doanh Huỳnh Thị Ly) trên địa bàn xã được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử Sóc Trăng. 100% (8/8) ấp trong xã có hộ gia đình thu xem được các phương thức truyền hình vệ tinh, cáp, số mặt đất, truyền hình qua mạng internet (đa số người dân trên địa bàn xã sử dụng truyền hình số mặt đất và các dịch vụ truyền hình trả tiền qua hệ thống cáp và internet).
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia “số hóa”, Hòa Tú 1 thực hiện các điểm phát wifi miễn phí tại UBND, công an, ban chỉ huy quân sự, nhà văn hóa xã, trạm y tế xã, bưu điện, các cơ sở tôn giáo, các trường học. Hiện xã có 1 bưu cục cấp 3 đang hoạt động và đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, về dịch vụ theo quy định, máy tính phục vụ và hỗ trợ cho người dân đến thực hiện các dịch vụ công trực tuyến… Hạ tầng phục vụ triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin và hội nghị trực tuyến của xã với các cấp: mạng internet cáp quang, mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng nội bộ; máy tính cài các phần mềm phục vụ quản lý điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, hội nghị truyền hình; các thiết bị ngoại vi như máy in, máy quét, camera… đảm bảo đáp ứng theo quy định. Độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính cấp xã đạt 93,81%.
Chủ tịch UBND xã Hòa Tú 1 Lê Văn Tô phấn khởi cho biết, ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch để duy trì và nâng chất các tiêu chí hướng đến mục tiêu cao hơn. Đến nay, nhờ sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Hòa Tú 1 đã thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và đang chờ UBND tỉnh xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 với tiêu chí nổi trội là chuyển đổi số. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 80,6 triệu đồng/người/năm, sự hài lòng của người dân đối với công tác xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tỷ lệ ngày càng cao. Tỷ lệ nghèo đa chiều của xã chỉ còn 2,45%; không còn hộ gia đình sống trong nhà tạm, nhà dột nát.
Giờ đây khi đến với Hòa Tú 1 là những con đường thênh thang rộng mở, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp được tô điểm bằng những bông hoa đua nhau khoe sắc rực rỡ bên những ngôi nhà khang trang, hiện đại… đã góp phần khẳng định sức sống mới của xã nông thôn mới kiểu mẫu của quê hương anh hùng.
HOÀNG LAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin