Hiệu quả từ thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở

09:55, 09/08/2024

STO - Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đã thực hiện nghiêm quy chế dân chủ (QCDC) theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó đã tạo niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đảm bảo khối lượng kế hoạch, góp phần đưa dự án sớm hoàn thành đi vào sử dụng. Dự án tuyến đường này có tổng chiều dài 56,7km. Khởi đầu tại Quản lộ Phụng Hiệp, Phường 3, thị xã Ngã Năm, dự án tiếp tục đi qua địa bàn huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên đến điểm cuối nối vào. Đường tỉnh 935 tại phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu. Trên địa bàn huyện Thạnh Trị, Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây đi qua 5 xã, thị trấn, có chiều dài 20,4km với tổng số 450 hộ dân bị ảnh hưởng mặt bằng. Để các hộ dân trong diện thu hồi tin tưởng và đồng thuận cao, huyện Thạnh Trị chủ động công khai, minh bạch tất cả các chính sách và công khai cả số kinh phí đền bù, hỗ trợ đối với từng gia đình trên tinh thần dân chủ. Qua đó đã tạo sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng.

Được các đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền chủ trương, chính sách đầu tư Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng, chị Trần Thị Kiều ở ấp Xa Mau 2, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị đồng thuận cao trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: CHÍ BẢO

Trước khi thực hiện dự án, các ngành, đơn vị có liên quan phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị mời nhà đầu tư và các hộ dân để thông tin về việc triển khai dự án, nhất là các dự án liên quan đến đời sống xã hội như xây dựng đường giao thông. Thực tế cho thấy, do vận động, tuyên truyền tốt và thực hiện nghiêm QCDC ở cơ sở, người dân đã hiểu rõ lợi ích việc đầu tư của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Đồng chí Phan Minh Quang - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Lộc cho biết: “Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây đi qua địa bàn thị trấn có 184 hộ bị ảnh hưởng. Hiện đã giải phóng mặt bằng đạt 100%. Đến nay chưa nhận được ý kiến, đơn thư của dân thắc mắc chung quanh việc đền bù, hỗ trợ. Nhận thức tuyến đường này vừa phục vụ thiết thực cho chính đời sống, sinh hoạt, đi lại giao thương của người dân vừa góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, chỉnh trang diện mạo nông thôn, các hộ dân bị ảnh hưởng ở huyện Thạnh Trị đã đồng tình ủng hộ, góp phần cho công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện diễn ra thuận lợi".

Ông Lý Lil ở ấp Chợ Cũ, thị trấn Hưng Lợi cho biết: “Nhà tôi và nhà con gái tôi bị ảnh hưởng mặt bằng chiều ngang gần 30m, Nhà nước đền bù, hỗ trợ thỏa đáng để thi công tuyến lộ thì gia đình rất ủng hộ, vì có đường lộ rộng rãi đi lại thuận tiện, địa phương mình có điều kiện phát triển hơn nữa…”.

Còn chị Trần Thị Kiều ở ấp Xa Mau 2, thị trấn Phú Lộc chia sẻ: “Được các đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách để người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn huyện, tôi đã nhận thức được lợi ích của công trình đi qua đất của gia đình mình, tôi đã đồng thuận giao mặt bằng để mở đường. Khi tuyến đường hoàn thành, người dân sẽ đi lại dễ dàng hơn, xe lớn vào thu mua nông sản cho người dân thuận tiện hơn, quán nước giải khát của gia đình tôi cũng buôn bán được nhiều hơn”.

Từ một huyện kinh tế, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, đến nay, bộ mặt nông thôn ở các xã của huyện Thạnh Trị có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Có được thành quả ấy là nhờ cấp ủy, chính quyền đã thực hiện tốt QCDC, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Từ đầu năm đến nay, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ giai đoạn 2024 - 2025, kinh phí hơn 14,3 tỷ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng đường chùa lộ mới, chiều dài tuyến hơn 1,7km; thi công 2 nhà sinh hoạt cộng đồng; nâng cấp, mở rộng lộ kênh tại 2 xã Thạnh Tân, Lâm Tân, chiều dài hơn 2,6km. Đối với ngân sách huyện đầu tư xây dựng nông thôn mới, huyện đã bố trí hơn 1,3 tỷ đồng đầu tư lộ đal Sakeo; xây dựng nhà thi đấu đa năng và trang thiết bị trường học; sửa chữa, nâng cấp 2 cổng chào và 5 nhà văn hóa ấp; nâng cấp sân chợ xã, quy mô 2.400m2… Trong quá trình thực hiện các công trình, các địa phương chủ động công khai chủ trương, chính sách, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để cán bộ, nhân dân biết. Trên cơ sở đó, nhân dân được nắm bắt thông tin, tham gia bàn bạc, quyết định nhiều công việc quan trọng gắn với lợi ích thiết thực của người dân. Tính đến nay, huyện Thạnh Trị có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…

Các xã, thị trấn thực hiện tốt việc niêm yết công khai thủ tục hành chính tại trụ sở UBND để người dân xem. Ảnh: CHÍ BẢO

Đồng chí Lương Trung Liêm - Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thạnh Trị cho biết, việc xây dựng và thực hiện nghiêm QCDC ở cơ sở đã góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; làm chuyển biến phong cách lãnh đạo, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; ngăn ngừa các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu nhân dân… Từ đó, ý thức làm chủ của nhân dân được phát huy, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, đoàn kết, động viên người dân tích cực góp công, góp sức xây dựng quê hương ngày càng ấm no, tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai, quán triệt, tuyên truyền các văn bản liên quan đến việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở từng lúc, từng nơi chưa kịp thời. Việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước, nội dung chất lượng chưa cao. Sự tham gia của nhân dân trong kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, ban giám sát công trình chưa phát huy đúng mức… Do đó, thời gian tới, huyện Thạnh Trị sẽ tiếp tục cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Tập trung chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp; tập trung chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở, trong đó tập trung cho loại hình cơ quan, ở xã, thị trấn. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị trong thực hiện QCDC, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, đồng thời kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện QCDC ở từng cấp.

Nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, huy động sự chung tay, góp sức của nhân dân trong huyện tham gia các phong trào ở địa phương. Đồng thời, củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

CHÍ BẢO