Huyện Thạnh Trị ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất

05:33, 15/08/2024

STO - Thời gian qua, tại huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), việc đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) ứng dụng vào sản xuất có nhiều khởi sắc, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Theo đó, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ người dân trong việc thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN được lựa chọn triển khai trên địa bàn huyện đều thích hợp với địa phương, dễ thực hiện và có khả năng mang lại thu nhập cao. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế như: mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng (tại xã Lâm Kiết), mô hình trồng rau trong nhà lưới (tại xã Thạnh Tân, xã Vĩnh Lợi, thị trấn Phú Lộc), mô hình lúa - VietGAP (tại thị trấn Hưng Lợi, xã Thạnh Tân), mô hình chăn nuôi bò theo hướng VietGAP (tại xã Lâm Kiết)… Trong đó, phải kể đến mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao ở ấp Kiết Bình, xã Lâm Kiết của anh Nguyễn Hoàng Duy đạt kết quả tích cực.

Năm 2020, anh Duy đã đầu tư ban sửa mặt bằng trên phần đất của gia đình để xây dựng nhà màng. Nắm bắt được thông tin từ mô hình này, UBND xã Lâm Kiết đã chủ động liên hệ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ làm chất xúc tác để mô hình được hoàn thiện hơn. Sau khi thực hiện mô hình có hiệu quả, anh Duy đã mạnh dạn mở rộng mô hình, hiện tại anh đã có 4 nhà màng với diện tích hơn 3.000m2, tổng nguồn thu hơn 2 tỷ đồng/năm.  Sản phẩm dưa lưới của anh Duy đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. 

Bên cạnh đó, việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh giúp xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản. Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi, hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Văn Út - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi, xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị) cho biết: “Hợp tác xã thời gian qua luôn tạo điều kiện và khuyến khích các thành viên tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trong đó có sản xuất lúa hữu cơ, gạo ST25 của Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Hợp tác xã phát triển sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Từ đó, tăng lợi nhuận cho thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thực hiện liên kết với các doanh nghiệp giúp đầu ra ổn định cho nông sản của thành viên. Điều đó chứng tỏ việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là rất quan trọng và mang lại hiệu quả cao”.

Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức các hội thảo để cập nhật, phổ biến các kiến thức, kỹ thuật mới trong sản xuất, kinh doanh. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã mở 35 lớp/800 người tham dự về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh đàn gia súc, gia cầm và các giải pháp chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; dự tính - dự toán và kỹ thuật quản lý phòng trị dịch hại trên lúa, rau màu; tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất; phương pháp tưới tiêu tiết kiệm nước cho cây trồng; mô hình trồng màu trên đất lúa…

Anh Phạm Thanh Ca - thành viên Hợp tác xã Thạnh Trị, xã Thạnh Trị (huyện Thạnh Trị) chia sẻ: “Nông dân ở đây được tập huấn khoa học kỹ thuật rất nhiều. Các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ nông dân. Các thành viên hợp tác xã, nông dân được tiếp cận kỹ thuật mới, sản xuất theo hướng hiện đại nên lợi nhuận mang lại cao, nâng cao thu nhập”.

Đồng chí Trần Trang Nhã - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị cho biết: “Thời gian qua, các sở, ngành và địa phương có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, khuyến cáo cũng như đề ra các giải pháp chỉ đạo sản xuất; đặc biệt hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nông dân tăng năng suất, hiệu quả trong nông nghiệp. Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tiếp tục thực hiện để nhân rộng đến nhiều tiểu vùng sản xuất có đủ điều kiện, đồng thời sẽ liên kết hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để từ đó người dân yên tâm hơn trong sản xuất; tăng cường ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp”.

Việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp của huyện Thạnh Trị đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm chủ lực, tiến lên đạt chuẩn sản phẩm OCOP; đã góp phần quan trọng trong việc xác lập vị trí nhiều mặt hàng nông sản của huyện Thạnh Trị. Qua đó, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân; thúc đẩy phát triển và nâng cao thu nhập của người dân, là “đòn bẩy” giúp huyện Thạnh Trị đẩy nhanh tiến trình xây dựng huyện nông thôn mới.

HOÀNG PHÚC