Quang cảnh hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao nêu rõ: Hoạt động truyền thông khoa học và công nghệ được xác định là một trong 9 giải pháp chủ yếu của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cũng dành riêng một điều (Điều 48) về công tác truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ cho người dân và cộng đồng xã hội.
Mặc dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên công tác phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên vẫn còn nhiều tồn tại: Chưa có sự liên kết giữa các hội thành viên, chưa có chiến lược, kế hoạch tổng thể, mục tiêu dài hạn cũng như mục tiêu cụ thể của toàn hệ thống.
Vì thế, chưa tạo được tác động rõ nét và sâu rộng trong xã hội. Liên hiệp Hội Việt Nam chưa thể hiện được vai trò khâu nối, đầu mối tổng hợp, huy động nguồn lực và sức đóng góp của các tổ chức, các nhà khoa học trong hệ thống, xây dựng các chương trình có tính chất liên ngành, ở phạm vi rộng, quy mô lớn, từ đó tạo ra các tác động rõ nét góp phần nâng cao dân trí và phát triển nền khoa học và công nghệ quốc gia. Do vậy, trong giai đoạn 2025-2030, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên cần có kế hoạch, chương trình cụ thể.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ luôn được Liên hiệp Hội Hà Nội và các hội thành viên xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Liên hiệp Hội Hà Nội đã xây dựng và quản lý tốt website husta.org. Với nội dung phong phú trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó tập trung chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, môi trường, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh...
Tuy nhiên, hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về khoa học và công nghệ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những bất cập, chưa hình thành được ấn phẩm, bản tin; các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức chưa phong phú, chưa phản ánh kịp thời hoạt động khoa học và công nghệ thực tiễn đang diễn ra trên địa bàn thành phố, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin về khoa học và công nghệ cho đại đa số quần chúng nhân dân; tính chuyên nghiệp còn yếu; hoạt động giới thiệu những thành tựu, kết quả khoa học và công nghệ, tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chưa thực sự hiệu quả...
Theo ông Lê Xuân Rao, để có căn cứ pháp lý triển khai hoạt động phổ biến kiến thức trong hệ thống liên hiệp hội từ Trung ương đến địa phương, Liên hiệp Hội Việt Nam cần phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ cụ thể hóa Điều 48 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 hoặc điều chỉnh điều 48 theo hướng lồng ghép một số nội dung trong Chiến lược Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang soạn thảo.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ Hồ Đình Lưỡng cũng đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh bổ sung cơ chế tài chính chi cho hoạt động phổ biến kiến thức; từng bước xã hội hóa kinh phí triển khai công tác phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ thông qua hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tuyên truyền những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, phù hợp với địa phương để chuyển giao đến người dân và cộng đồng.
Theo ông Thọ, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ để phù hợp với khả năng tiếp nhận thông tin ngày càng cao của nhân dân.
Nguồn: BÁO NHÂN DÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin