Báu vật 6.400 tuổi chỉ ra nguồn gốc chữ viết đầu tiên

ANH THƯ 21:41, 06/11/2024

Những con dấu hình trụ từ những năm 4400 trước Công nguyên đã củng cố ý tưởng từng được đề xuất về nơi chữ viết đầu tiên của nhân loại ra đời.

Theo Live Science, các nhà nghiên cứu từ Đại học Bologna (Ý) đã phân tích một số con dấu hình trụ thời tiền chữ viết của người Lưỡng Hà cổ đại từng được sử dụng trong hoạt động buôn bán nông nghiệp và hàng dệt may.

Kết quả phân tích chi tiết cho thấy chữ viết hình nêm - được cho là loại chữ đầu tiên của nhân loại - có thể bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những ký hiệu trên các con dấu này.

Một con dấu hình trụ và các ký hiệu mà nó tạo nên, trong đó có những ký hiệu rất giống một số ký tự của loại chữ viết đầu tiên - Ảnh: BẢO TÀNG LOUVRE

Điều gây kinh ngạc nhất là các con dấu đó được tạo nên tận 4.400 năm trước Công Nguyên, tức đã hơn 6.400 năm tuổi.

Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Antiquity, phát hiện này củng cố một ý tưởng được đề xuất trong nghiên cứu trước đó rằng chữ viết hình nêm được phát triển ở Lưỡng Hà vào khoảng năm 3100 trước Công nguyên.

Các nhà khoa học cũng nghi ngờ rằng chữ viết này có nguồn gốc từ các phương pháp kế toán nhằm theo dõi quá trình sản xuất, lưu trữ và vận chuyển các mặt hàng phổ biến nơi đây.

Trong nghiên cứu mới, các tác giả chỉ ra cụ thể một số ký hiệu trên các con dấu hình trụ có đường nét y hệt một số ký tự trong "chữ hình nêm nguyên thủy".

Đó là loại chữ viết từng được tìm thấy trên các tấm đất sét 5.000 năm tuổi từ TP Uruk cổ đại của người Sumer miền Nam Lưỡng Hà, khu vực nay là miền Nam Iraq. Đây là chữ viết cổ xưa nhất từng được khai quật.

Các con dấu vừa được kiểm tra chủ yếu được sử dụng trong việc vận chuyển các lọ gốm và vải, một số có vẻ liên quan đến các đền thờ.

Những con dấu hình trụ như vậy đã được sử dụng trong hàng thiên niên kỷ trên khắp Lưỡng Hà, nơi chúng được lăn trên các tấm đất sét để in họa tiết lên đó, thường là để xác minh một giao dịch hoặc mở đầu một lá thư.

Chữ viết hình nêm sử dụng bút stylus để tạo ra các dấu ấn hình nêm trên đất sét chưa nung. Những dấu ấn này tạo ra các dấu hiệu đại diện cho âm thanh để ghi lại ngôn ngữ nói.

Đất sét có thể được sấy khô hoặc nung, bảo quản các dấu hiệu.

Chữ hình nêm được phát triển bởi nền văn minh Sumer, nơi họ đã xây dựng nên các thành phố đầu tiên ở miền nam Lưỡng Hà từ khoảng năm 550-2300 trước Công nguyên.

Khu vực này sau đó được kế thừa bởi Đế chế Akkad, có thủ đô tại TP Akkad.

Người Akkad đã áp dụng hệ thống chữ viết của người Sumer nhưng áp dụng vào ngôn ngữ của riêng họ

Chữ Akkad viết bằng chữ hình nêm sau đó đã trở thành ngôn ngữ viết phổ biến của Lưỡng Hà trong hơn 2.000 năm, trong suốt thời kỳ Babylon và Assyria sau đó.

Anh Thư/Người Lao Động