Đồng chí Ngô Thái Chân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết sơ nét về mỏ cát của tỉnh; sản lượng, trữ lượng khai thác như thế nào?
Đồng chí Ngô Thái Chân: Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh Sóc Trăng quy hoạch 7 khu mỏ cát để phục vụ cho các dự án đường bộ cao tốc. Theo đó, trữ lượng khai thác 7 khu mỏ cát này là khoảng 11 triệu m3. Còn nhu cầu sử dụng cát phục vụ dự án đường bộ cao tốc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là khoảng 8 triệu m3. Với 7 khu mỏ cát này thì chúng tôi đã chuẩn bị đủ sản lượng để phục vụ cho dự án đường cao tốc và 7 khu mỏ cát này cũng đã được HĐND tỉnh Sóc Trăng thông qua nghị quyết và cho phép sử dụng đưa vào thực hiện để phục vụ đường cao tốc. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện các bước để chúng tôi xác nhận quy định khai thác và thực tế thì chúng tôi cũng đã xác nhận khai thác cho đơn vị Ban điều hành Trường Sơn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) để khai thác mỏ cát số 5, hiện nay, Ban điều hành Trường Sơn 12 đã và đang tiến hành vô khai thác; 3 gói thầu còn lại cũng đang được hướng dẫn thủ tục để làm các bước theo quy định để xác nhận quy định khai thác, sau đó các doanh nghiệp sẽ tiến hành khai thác mỏ cát theo quy định hiện hành.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu trong lần kiểm tra công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: QUANG BÌNH
Phóng viên: Thưa đồng chí, sau khi xác nhận khai thác cát cho các doanh nghiệp vào khai thác thì chức năng của sở sẽ có sự giám sát như thế nào?
Đồng chí Ngô Thái Chân: Để có sự giám sát chặt chẽ việc hoạt động khai thác cát thì Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ quản lý khai thác cát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Tổ quản lý này có trách nhiệm giám sát hoạt động của các phương tiện khai thác cát, như: sà lan, tàu, thuyền vận chuyển và sẽ giám sát 24/24h. Đơn vị khai thác sẽ phải kê khai khối lượng khai thác hằng ngày để báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng. Như vậy, khi tỉnh thành lập đơn vị để quản lý giám sát thì đảm bảo lượng cát khai thác ra là để phục vụ cho các dự án đường bộ cao tốc và sẽ không xảy ra thất thoát cũng như những sơ suất trong quá trình quản lý.
Phóng viên: Để đạt được những kết quả nêu trên thì tỉnh cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng có sự nỗ lực như thế nào?
Đồng chí Ngô Thái Chân: Đạt được kết qua như trên thì các cấp lãnh đạo cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh hết sức vui mừng. Tuy nhiên cái khó hiện nay là chúng ta thực hiện khai thác cát theo cơ chế đặc thù, mà cơ chế đặc thù này mới thực hiện cho nên chúng tôi cũng “dò dẫm” đi từng bước. Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn rất nhiều, tuy nhiên có những cái trong thực tiễn đặt ra thì cũng phải có những cái mình phải thực hiện coi như là lần đầu, cho nên anh, em cũng đã rất là cố gắng để thực hiện. Đến thời điểm này cũng có thể nói là đã thực hiện suôn sẻ khi có đơn vị đầu tiên đã được xác nhận khu vực khai thác; 3 cái gói thầu còn lại thì chúng tôi sẽ giải quyết rất là nhanh, bởi vì cũng đã có kinh nghiệm ở gói thầu đầu tiên của Ban điều hành Trường Sơn 12.
Phóng viên: Được biết Sóc Trăng còn có mỏ cát biển. Tỉnh nỗ lực để khai thác cát biển phục vụ dự án cao tốc như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngô Thái Chân: Hiện nay, Quốc hội cũng như Chính phủ đã có các nghị quyết cho phép chúng ta khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án trọng điểm. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được Công văn số 1328/UBND-KT, ngày 10/5/2024, Công văn số 1553/UBND-KT, ngày 28/5/2024 của UBND tỉnh Sóc Trăng về khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc quản lý, cấp phép khai thác cát biển phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại các Văn bản số 3908/VPCP-CN, ngày 5/6/2024, Văn bản số 3950/VPCP-CN, ngày 7/6/2024 của Văn phòng Chính phủ về kiến nghị các nội dung liên quan đến công tác quản lý việc khai thác cát biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trên cơ sở nghiên cứu nội dung đề nghị, đối chiếu với quy định hiện hành của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau: Về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106/2023/QHI5, ngày 28/11/2023 của Quốc hội: Tại Điều 7 Nghị quyết số 106/2023/QH15, ngày 28/11/2023 của Quốc hội đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, trong đó quy định UBND cấp tỉnh, bên cạnh các cơ chế đặc thù theo quy định, các hoạt động trên biển sẽ được quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát bởi các cơ quan nhà nước, lực lượng thực thi pháp luật trên biển theo các quy định của pháp luật (đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan). Về vấn đề cấp phép khai thác cát biển phục vụ cho mục đích san lấp mặt bằng hiện đang được xem là khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác của UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 82 Luật Khoáng sản, không phụ thuộc phạm vi trong hay ngoài 6 hải lý. Về giao khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển: Cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 548/BHĐVN-QLKTB, ngày 17/5/2024 gửi UBND tỉnh Sóc Trăng về việc giao khu vực biển cho nhà thầu xin phép khai thác cát biển cung cấp cho Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó đã làm rõ về thành phần hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và các nội dung liên quan.
Hiện nay, chúng tôi cũng đã làm xong thủ tục và cuối tháng 6/2024, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) đã tiến hành lễ triển khai khai thác mỏ cát biển vùng mỏ B1.1 và B1.2 thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Phóng viên: Đối với nhu cầu đăng ký sử dụng cát biển thì tỉnh đã có thông báo gì đến các địa phương, đơn vị và quan điểm của tỉnh ra sao, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngô Thái Chân: Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã có thông báo đến các địa phương, đơn vị có nhu cầu sử dụng cát biển phục vụ các công trình, dự án trọng điểm. Hiện nay thì các địa phương, đơn vị cũng đã nhận được văn bản của tỉnh Sóc Trăng và đã có những phản hồi kịp thời đến tỉnh xem xét.
Về quan điểm của tỉnh, kể cả lãnh đạo chính quyền địa phương là chấp hành theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện tốt các dự án trên địa bàn, đồng thời chia sẻ nguồn cát mà Sóc Trăng đang quản lý cho các dự án của các tỉnh bạn theo nghị quyết của Quốc hội cũng như nghị quyết của Chính phủ.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
QUANG BÌNH (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin