Để thoát thẻ vàng IUU

06:01, 02/07/2024

STO - Theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (viết tắt là IUU), có 3 vấn đề lớn mà Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục nếu muốn thoát khỏi thẻ vàng IUU, đó là: tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá ngắt thiết bị hành trình và tàu không đăng ký. Đây cũng chính là 3 điểm nghẽn khiến cho việc khắc phục thẻ vàng IUU thời gian qua gặp không ít khó khăn.

Theo báo cáo của Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), năm 2023, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ đã giảm đến 60% lượt. Từ đầu năm 2024 đến nay, dù chúng ta đã nỗ lực rất lớn nhưng vẫn có một số vụ việc vi phạm bị các nước bắt giữ, xử lý. Nguyên nhân dẫn đến vi phạm trên theo Cục Kiểm ngư là do lợi ích thu được từ việc đánh bắt ở vùng biển nước ngoài khá lớn nên dù biết là vi phạm, nhưng một số ngư dân vẫn cố tình thực hiện, với hành vi, thủ đoạn ngày một tinh vi hơn, như: dùng tàu biển số giả hoặc tàu không có biển số, tắt thiết bị hành trình để vượt qua vùng biển nước khác đánh bắt bất hợp pháp, gây nhiều khó khăn, thách thức cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Để tháo gỡ vấn đề này, theo Cục Kiểm ngư cần tăng cường lực lượng chấp pháp cơ sở để nắm địa bàn, khoanh vùng đối tượng chủ tàu, nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa thông qua hoạt động vừa tuyên truyền, vừa mang tính răn đe, trong đó, lấy tuyên truyền, giáo dục làm trọng tâm. Bên cạnh đó, các lực lượng chấp pháp cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả khởi tố vụ án hình sự để vừa tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vừa răn đe những chủ tàu có ý định vi phạm.

Tàu khai thác về cảng đều được kiểm tra sổ sách, hàng hóa theo quy định IUU. Ảnh: TÍCH CHU

Một vấn đề vi phạm khác là việc tắt thiết bị hành trình cũng diễn ra khá phức tạp, mặc dù chủ tàu biết rằng, việc làm này có thể bị xử phạt từ 300 - 500 triệu đồng và nếu tái phạm có thể bị xử phạt lên đến 700 triệu đồng. Việc mất kết nối thiết bị hành trình có thể do nguyên nhân khách quan, như: chất lượng thiết bị, thời tiết xấu, kết nối mạng yếu… Còn chủ quan là do chủ tàu cố tình ngắt kết nối thiết bị để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Và cho dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan đều gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng khi mà vùng biển thì rộng lớn, còn lực lượng thì có giới hạn. Do đó, khi tàu cá mất kết nối 6 giờ, lực lượng biên phòng sẽ kêu gọi, thông báo để chủ tàu cá kiểm tra, bật thiết bị, còn nếu mất kết nối trên 10 giờ, bằng mọi biện pháp, lực lượng chức năng sẽ kêu gọi chủ tàu phải bật lại thiết bị giám sát hành trình và sau đó sẽ có biện pháp xử lý tiếp theo khi tàu vào bờ. Đối với thách thức từ tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép), hiện các địa phương đều tích cực tổng kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm theo pháp luật; đồng thời hướng dẫn ngư dân trình tự, thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp phép để đủ điều kiện đánh bắt theo quy định. Riêng đối với những tàu không đủ điều kiện, lực lượng chức năng các địa phương sẽ kiên quyết không cho tàu ra khơi đánh bắt.

Tổ công tác IUU tại cảng cá Trần Đề được đoàn kiểm tra IUU của Cục Thủy sản đánh giá cao trong quản lý khai thác IUU. Ảnh: TÍCH CHU

Tại Sóc Trăng, từ nhiều năm nay, tình hình tàu cá đánh bắt vùng biển nước ngoài gần như đã được chấm dứt hẳn, nhưng để thực hiện tốt hơn nữa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan, trong các năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống IUU, để cùng cả nước kịp thời khắc phục các khuyến nghị của EC về IUU.

Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, ngành luôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiên quyết không cấp phép và không cho ra khơi nếu các tàu khai thác không đủ điều kiện theo quy định; đồng thời, phối hợp đơn vị liên quan nhanh chóng giải quyết việc mất kết nối trên tàu đánh bắt trên biển cũng như theo dõi việc bốc dỡ thủy sản qua cảng… Còn theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Nam, các đơn vị chức năng cần kiên quyết điều tra, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá gửi thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khác và tàu cá tiếp tay, vận chuyển thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác; đồng thời xử lý nghiêm, triệt để tàu cá “3 không” theo quy định hiện hành...

Theo đó, để giám sát hoạt động của các tàu cá thuộc phạm vi quản lý, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật để cập nhật lên hệ thống dữ liệu quốc gia Vnfishbase. 100% tàu ra khơi khai thác đều được cấp phép và 100% tàu trong quy định đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và được cập nhật và hiển thị vị trí trên hệ thống giám sát của Cục Thủy sản. Bên cạnh đó, còn cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá có chiều dài 15 mét trở lên đạt 100% và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho các doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu và thị trường khác; tổ IUU trực tại Cảng cá Trần Đề 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin tàu khai thác cập, xuất cảng, đối chiếu tàu cá khai thác thủy sản đã đăng ký, sắp xếp tàu vào cảng và giám sát sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng.

Theo dự kiến, vào tháng 10 tới đây, đoàn thanh tra EC sẽ có chuyến làm việc với các bên liên quan của Việt Nam và nói như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, chúng ta cần xác định đây sẽ là chuyến thanh tra cuối cùng của đoàn EC về IUU tại Việt Nam. Muốn vậy, chúng ta cần chứng minh với đoàn EC rằng tất cả các vấn đề mà họ khuyến cáo trong lần trước đã được Việt Nam nghiêm túc tiếp thu, thực thi và đã có sự cải thiện tích cực. Nếu không vượt qua được các vấn đề đã được EC khuyến nghị, hải sản Việt Nam sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU, khi đó, ngành khai thác biển của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

TÍCH CHU