Còn khó nhưng giá sẽ tăng

05:30, 13/08/2024

STO - Các dự báo đều cho thấy, dù thời tiết ở cả 2 vùng Nam lẫn Bắc bán cầu năm nay có đôi chút thất thường nhưng sản lượng tôm nuôi toàn cầu dự kiến vẫn sẽ tăng trưởng nhẹ so với năm 2023. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh giữa các quốc gia có nghề nuôi tôm lớn, như: Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia… sẽ càng trở nên gay gắt hơn. Tuy nhiên, những tín hiệu thị trường gần đây cho thấy, nhu cầu tiêu thụ đang có dấu hiệu phục hồi và giá tôm trong nước nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ, nhất là từ tháng 10 trở đi.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm 7 tháng đầu năm nay ước đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn kể từ tháng 8 đến tháng 11 do đây là thời điểm các doanh nghiệp tập trung hoàn tất giao hàng cho các hợp đồng đã ký kết trong năm. Trong khi đó, từ tháng 8 đến tháng 10 sẽ là thời điểm có mưa bão nhiều nên việc chăm sóc tôm nuôi sẽ khó khăn hơn so với 6 tháng đầu năm. Do đó, tỷ lệ thành công nhiều khả năng sẽ giảm thấp, nguồn cung tôm nguyên liệu nhiều khả năng thiếu hụt so với nhu cầu.

Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam nhận định: “Nuôi tôm vụ nghịch bao giờ cũng khó khăn hơn nhiều so với vụ thuận. Bên cạnh bất lợi về thời tiết (mưa bão nhiều - người viết), thì dịch bệnh, nhất là bệnh do EHP cũng xuất hiện nhiều hơn, tôm nuôi dễ bị thiệt hại hơn, tỷ lệ thành công vì thế cũng thấp hơn”.

Xuất khẩu tôm vẫn chưa hết khó nhưng giá tôm trong nước được dự báo vẫn sẽ tăng nhẹ từ nay đến cuối năm. Ảnh: TÍCH CHU

Trước những dự báo khó khăn về tôm nguyên liệu, cùng với nhu cầu tôm nguyên liệu phục vụ các đơn hàng từ nay đến cuối năm, nên theo quy luật cung cầu, giá tôm trong nước thời gian tới sẽ tăng thêm, nhất là từ tháng 10 trở đi. Một giám đốc doanh nghiệp dự báo: “Gần đây, giá tôm thẻ đã tăng trở lại ở một số kích cỡ và theo dự báo của cá nhân tôi, giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng thêm, nhất là thời điểm từ tháng 10 trở đi, trong đó tôm thẻ cỡ 50 con/kg dự kiến sẽ có giá khoảng 115.000 đồng/kg, tức tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với hiện tại. Khi đó, doanh nghiệp nào không có nguồn tôm dự trữ giá rẻ sẽ rất khó khăn”. Tại tỉnh Sóc Trăng, nơi có nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành tôm, theo ghi nhận của người viết, hầu hết đều đã có hợp đồng giao hàng từ nay đến cuối năm, nên nguồn cung tôm nguyên liệu vẫn đang là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay.

Để giảm thiểu rủi ro một khi thị trường khan hiếm tôm nguyên liệu, thời gian qua, bên cạnh việc thu mua dự trữ tôm nguyên liệu trong những thời điểm giá tôm xuống thấp, một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển vùng nuôi, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu tôm và tạo việc làm thường xuyên cho người lao động từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, biến số thị trường vẫn rất khó lường mặc dù xuất khẩu tôm 7 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng.

“Giá tôm xuất khẩu được ghi nhận vẫn ở mức thấp, nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm 7 tháng vẫn tăng trưởng, phải chăng là sức tiêu thụ đã tăng trở lại”? Trả lời câu hỏi trên, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Giá bán thấp nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng chỉ cho thấy lượng xuất khẩu lớn, chứ chưa phản ánh hết sức tiêu thụ, bởi chúng ta thiếu thông tin là nhà nhập khẩu đã tiêu thụ bao nhiêu, tồn kho bao nhiêu? Cũng có khả năng họ tranh thủ nhập hàng khi giá tôm giảm thấp, để cung ứng thị trường dịp cuối năm”.

Tuy dự báo sức tiêu thụ sẽ tăng trở lại từ nay đến cuối năm, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thể an tâm trước 2 vụ kiện: chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp tôm (CVD) tại thị trường Mỹ. Ngày 19/10/2024, DOC công bố mức thuế CVD cuối cùng và trước ngày 3/12/2024 Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ có kết luận là vụ kiện này sẽ kết thúc hay còn diễn tiến. Riêng vụ kiện AD, phía Mỹ vẫn đang xem xét hành chánh lần thứ 19 (PR19) với 2 doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc (có sản lượng tôm xuất khẩu vào Mỹ cao nhất trong niên độ kiểm tra) và theo dự kiến, mức thuế sơ bộ sẽ được công bố khoảng đầu năm 2025. Điều này sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ, bởi DOC sẽ không công nhận các dữ liệu của các doanh nghiệp ta cung cấp để xem xét thuế, mà lấy số liệu thay thế từ nước thứ ba, gây nhiều phiền phức, phí tổn, thậm chí không công bằng.

Mùa tôm đang vào cao điểm và tuy có những bất lợi nhất định, nhưng với những diễn biến thị trường cho thấy, giá tôm trong nước sẽ được cải thiện, xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng từ nay đến cuối năm, thậm chí có doanh nghiệp mạnh dạn tuyên bố sẽ đạt mức tăng trưởng doanh số xuất khẩu tôm ở mức 2 con số. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của cả nghề nuôi lẫn chế biến xuất khẩu sẽ khó lòng đạt như kỳ vọng ở vụ tôm 2024 này.

TÍCH CHU