Hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững

05:58, 11/08/2024

STO - Để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ngày 20/5/2022, HĐND tỉnh đã thông qua Quyết định số 26/NQ-HĐND tỉnh về việc thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là liên kết 4 nhà trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng sản phẩm nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điều đó đã đem lại nhiều thành quả tích cực cho nông dân và các địa phương tham gia đề án.

Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm việc phát triển Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Ảnh: THÚY LIỄU

Hộ dân được hưởng lợi

Cầm bó ngò gai xanh tốt do Tổ hợp tác Ngò gai hữu cơ, Phường 7, thành phố Sóc Trăng canh tác được Ban Quản lý Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng) hỗ trợ, ông Điền Lên - Tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ: “Khi được Ban Quản lý Dự án chọn triển khai sản xuất ngò gai hữu cơ tại tổ hợp tác, chúng tôi nhiệt tình tham gia, bởi sản xuất hữu cơ giúp bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, đặc biệt sản phẩm hữu cơ phù hợp với xu hướng thị trường. Khi sản xuất ngò hữu cơ, giá bán ngò cao hơn so với ngò canh tác truyền thống, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên”.

Ông Nguyễn Văn Út - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị thông tin: “Năm 2018, hợp tác xã trồng thử nhiệm 5ha lúa hữu cơ và khi được Ban Quản lý Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ hỗ trợ, hợp tác xã đã nâng diện tích sản xuất lúa hữu cơ lên 70ha, trong đó có 50ha đã được chứng nhận hữu cơ, còn lại 20ha dự kiến cuối năm 2025 sẽ được chứng nhận. Lúa giống sản xuất hữu cơ là giống lúa ST25. Trong những năm đầu chuyển đổi từ sản xuất vô cơ sang hữu cơ hoàn toàn năng suất lúa thấp khoảng 4,5 tấn/ha, sau đó năng suất tăng dần lên theo từng năm. Tính riêng vụ lúa Đông - Xuân (2023 - 2024), năng suất đạt 6 tấn/ha, trừ chi phí lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha. Nhờ canh tác lúa hữu cơ, giá lúa được công ty liên kết thu mua cao hơn giá thị trường 400 đồng/kg. Số lượng công ty liên kết bao tiêu đầu ra là 70% diện tích, diện tích lúa còn lại, hợp tác xã sản xuất ra thành phẩm gạo và đóng gói bán ra thị trường mang thương hiệu gạo Vinh Lợi”.

Kết quả đề án hỗ trợ nông dân

Sau 2 năm triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đến các đối tượng liên quan, Ban Quản lý Đề án đã tổ chức 21 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về nông nghiệp hữu cơ cho cán bộ từ cơ sở đến cấp tỉnh, với 645 lượt cán bộ dự; tổ chức 148 lớp tập huấn về nông nghiệp hữu cơ cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp với 2.960 lượt người tham dự, đạt 100% so với kế hoạch. Tổ chức 6 lớp tập huấn ủ phân hữu cơ cho 60 thành viên tham gia. Xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ cho 32 mô hình trên cây ăn trái, cây lúa, rau màu, gia súc, thủy sản. Hỗ trợ 14 mô hình sản xuất hữu cơ được tư vấn để đánh giá chứng nhận trên lúa, cây dừa, cây nhãn, mãng cầu, vú sữa tím... Đồng thời, Ban Quản lý Đề án đã xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận trên cây ăn trái (59ha), rau màu (7,5ha), cây lúa (95ha) và vật nuôi (320 con)…

Để tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Ban Quản lý Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh đã tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hộ sản xuất nông sản ứng dụng quy trình sản xuất hữu cơ vào sản xuất, ứng dụng công nghệ vào quy trình canh tác và truy xuất nguồn gốc, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, Ban Quản lý Đề án đã đưa đi trưng bày các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được 4 cuộc hội chợ ngoài tỉnh; in 1.200 tờ rơi thông tin về các mô hình sản xuất hữu cơ; phát hơn 150 tờ rơi, ấn phẩm giới thiệu về mô hình sản xuất hữu cơ, thông tin về các cơ sở sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm OCOP của tỉnh…

Đồng chí Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Giám đốc Ban Quản lý Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng thông tin, để hoàn thành mục tiêu đề án theo kế hoạch đã đề ra, trong thời gian tới, Ban Quản lý Đề án sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các nội dung của đề án. Thực hiện điều tra, khảo sát, lựa chọn và tư vấn triển khai các vùng sản xuất hữu cơ để xác định, khoanh vùng phát triển và thông báo rộng rãi để các tổ chức, cá nhân có kế hoạch, nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ biết, triển khai thực hiện. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, các chế phẩm sinh học... thay thế các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng quy trình canh tác thân thiện với cây trồng, vật nuôi và môi trường...

THÚY LIỄU