Không ngừng lớn mạnh và phát triển
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tâm huyết, tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho giới doanh nhân Việt Nam. Ngay sau khi thành lập nước, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam, Người viết:
Được tin giới Công - Thương đã đoàn kết lại thành "Công - Thương cứu quốc đoàn" và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay "Công - Thương cứu quốc đoàn" đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt.
Thực hiện lời dạy của Bác, nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp được đưa ra và thực thi trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân phát triển. Nổi bật là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Qua đó có thể thấy sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt của Đảng đối với công tác phát triển đội ngũ doanh nhân.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao vai trò và ghi nhận đóng góp của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: HOÀNG LAN |
Xác định vị trí, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong tiến trình xây dựng và phát triển quê hương, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với doanh nhân, doanh nghiệp được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng tăng cường. Bên cạnh công tác xây dựng và ban hành các văn bản cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, tỉnh quan tâm tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp, bằng cách thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp gia nhập, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, phát triển bình đẳng, đúng quy định của pháp luật.
Định kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư 2 - 3 lần/năm; cà phê kết nối; cà phê cùng doanh nghiệp… để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, giúp các doanh nghiệp đang có các hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn. Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn bằng những hoạt động thiết thực, như: hỗ trợ ứng dụng trang thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại; hội chợ triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Chính sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền đã từng bước giúp doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, trong đó có một số doanh nghiệp lĩnh vực chế biến thủy, hải sản thuộc tốp đầu cả nước, phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Đơn cử trong năm 2021, Sóc Trăng đã dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm. |
Tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển
Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực đồng hành, chia sẻ cùng với tỉnh trong các chương trình an sinh xã hội, giải quyết việc làm và đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. “Tuy nhiên, sự phát triển chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu. Một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu...” (trích Chương trình hành động số 57-CTr/TU, ngày 23/7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới).
Thời gian tới, Sóc Trăng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, triển lãm trưng bày sản phẩm… Ảnh: HOÀNG LAN |
Theo ông Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, trong Chương trình hành động số 57-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân Sóc Trăng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, trong đó nổi bật là nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh khởi nghiệp, phát triển và cống hiến. Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, thực hiện tốt các giải pháp nâng cao Chỉ số PCI, phấn đấu duy trì kết quả xếp hạng Chỉ số PCI hằng năm của tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố quản lý, điều hành tốt. Cùng với việc tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi các doanh nhân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, Sóc Trăng tiếp tục duy trì họp mặt doanh nghiệp, cà phê cùng doanh nghiệp, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thông tin, chia sẻ, động viên và hỗ trợ giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh… Hoạt động này giúp doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo, quản lý điều hành của Đảng bộ, chính quyền Sóc Trăng trong thời gian tới.
Điều này được minh chứng tại các cuộc hội nghị, gặp gỡ tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh. Sóc Trăng luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đăng ký và triển khai thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh bền vững, ổn định tại địa phương.
Để thực hiện cam kết của mình, Chương trình hành động số 57-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh... Thường xuyên lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, đúng quy định pháp luật, đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội.
Tin rằng, bằng những giải pháp cụ thể, Sóc Trăng sẽ phát triển được đội ngũ doanh nhân tỉnh có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, tăng thêm khoảng 2.500 doanh nghiệp; nâng tổng số có trên 5.500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Và đây sẽ là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
HOÀNG LAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin