Cân bằng tăng trưởng và hiệu quả

CTV 04:58, 12/11/2024

STO - Tại “Hội nghị tham vấn giải pháp nuôi tôm hiệu quả và kết quả đánh giá sơ bộ triển khai Quyết định số 79/QĐ-TTg giai đoạn 2018 - 2023”, do Cục Thủy sản phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau và Tổ chức GIZ tổ chức tại tỉnh Cà Mau vào ngày 31/10, một trong những nội dung có nhiều ý kiến tham luận nhất là tìm giải pháp cân bằng giữa sản lượng và lợi nhuận cho cả người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trước áp lực cạnh tranh đến từ các nước.

Theo ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, kế hoạch sản lượng tôm nuôi và kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2024 của Cà Mau khả năng đạt là rất cao. Còn trên bình diện chung của cả nước, xuất khẩu tôm trong 10 tháng qua cũng đã đạt 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trong toàn chuỗi thì lại không đạt như kỳ vọng, thậm chí có nhiều hộ, trang trại nuôi tôm và doanh nghiệp bị thua lỗ do giá tôm giảm thấp trong thời gian dài cũng như tình hình dịch bệnh làm cho tôm chậm lớn. Đây thật sự là thách thức, là khó khăn mà ngành tôm đang đối mặt và rất cần có giải pháp để hóa giải vấn đề này.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, cần có sự chia sẻ của tất cả các bên liên quan để cùng nhau đưa ngành tôm đi xa hơn. Ảnh: TÍCH CHU
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, cần có sự chia sẻ của tất cả các bên liên quan để cùng nhau đưa ngành tôm đi xa hơn. Ảnh: TÍCH CHU

Nhìn nhận ngành tôm vẫn còn quá khó, ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang chỉ rõ, điểm yếu lớn nhất của ngành tôm chúng ta hiện nay chính là đa số lấy nghề nuôi tôm làm sinh kế chứ không phải đầu tư nuôi tôm để làm kinh tế. Mà đã là sinh kế thì kiểu gì họ cũng phải thả nuôi, bởi không nuôi thì cũng không biết làm gì để sống. Về cơ cấu giá thành và hiệu quả của các mô hình nuôi tôm, TS. Phan Thanh Lâm - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với các mô hình nuôi quảng canh hay quảng canh cải tiến, phần chi phí lớn nhất chủ yếu là con giống và cải tạo ao. Tuy nhiên, do nguồn thức ăn tự nhiên không đủ cho suốt thời gian nuôi nên năng suất tôm nuôi đạt thấp, lợi nhuận không cao. Vì vậy, người nuôi cần sử dụng vi sinh để ổn định môi trường và tạo thức ăn tự nhiên mới có thể nâng cao được năng suất và lợi nhuận. 

Theo ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, đã làm nghề nuôi tôm thì người nuôi cần hiểu thiên nhiên, đất đai, nguồn nước tại vùng nuôi của mình và đặc biệt là phải hiểu nguồn lực của mình đang ở đâu, bởi nếu không sẽ rất dễ thua lỗ trong điều kiện giá tôm như vừa qua. “Thời gian qua, chúng ta du nhập một số mô hình nuôi của nước ngoài mà theo giới thiệu ban đầu là rất ngon, nhưng theo tôi thấy, chi phí đầu tư, vận hành đều cao nhưng lại không nuôi được với mật độ cao. Trong khi đó, những người nuôi tôm chuyên nghiệp của Việt Nam đã nghiên cứu đưa vào sản xuất một số mô hình của riêng mình rất hiệu quả, có khả năng cạnh tranh được với các nước nuôi tôm mới nổi”, ông Phục dẫn chứng.

Cũng theo ông Phục, Giá tôm tới đây sẽ khó có khả năng quay về mức cao như trước, nên người nuôi cần có kiến thức, khoa học công nghệ để làm sao đưa giá thành tôm cỡ trung về mức 90 - 100 ngàn đồng/kg thì mới cạnh tranh được. Chúng ta không thể đòi hỏi giá tôm cao được vì giá tôm được hình thành theo cung - cầu thị trường. Ví dụ như năm nay, khủng hoảng kinh tế thế giới, chiến tranh, dịch bệnh làm cho sức tiêu thụ giảm trong khi nguồn cung thế giới lại tương đối cao nên giá tôm phải thấp không thể nào khác được. Hiện tại giá tôm cao một phần là do người nuôi không nuôi nữa trong khi nhu cầu chế biến xuất khẩu lại cao. Đây là quy luật của thị trường nên chúng ta phải chấp nhận và người nuôi tôm cũng cần hiểu được quy luật này để biết được mùa nào chúng ta nên thả giống nhiều, mùa nào nên thả ít.

Trong khi đa phần người nuôi đều cho rằng, tỷ lệ tôm nuôi thành công thấp có nguyên nhân lớn nhất từ tôm giống nhiễm bệnh thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy có đầy đủ cơ sở khoa học để giải thích cho người nuôi tại sao mùa này, tháng này lại có nhiều EHP, EHP đến từ đâu… “Thực tế, tôi nuôi vụ thuận gần như không có EHP cho đến tận tháng 4 - 5 mới bắt đầu xuất hiện thì tôm đã lớn rồi. Ngược lại, vụ nghịch EHP rất nhiều mà theo thống kê thì trên 95% người nuôi, tôm bị nhiễm EHP. Vì vậy ngành chức năng cần có giải pháp kiểm soát chất lượng con giống tốt hơn vì hiện nguồn giống ra khỏi trại đều có giấy kiểm dịch đạt nhưng khi về tới ao nuôi thì lại có bệnh. Nếu để tình trạng này kéo dài, người nuôi sẽ còn khó dài dài, nhất là mô hình nuôi siêu thâm canh một khi con giống nhiễm bệnh thì thiệt hại sẽ rất lớn”, ông Phục nêu thực trạng.

Theo TS. Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ngành tôm chúng ta đang khó, nên rất cần có sự chia sẻ của tất cả các bên liên quan để cùng nhau đưa ngành tôm đi xa hơn. Để đi cùng nhau thì các bên liên quan đều phải thấy trong mỗi mắt xích của chuỗi con tôm luôn có hình ảnh của mình trong đó. Chỉ có như vậy, mỗi khi con tôm gặp khó, tất cả mới có thể ngồi lại với nhau để cùng nhau tháo gỡ, cùng nhau chia sẻ khó khăn, cùng dắt tay nhau đưa ngành tôm một ngày một tiến xa hơn.

Cục trưởng Trần Đình Luân một lần nữa khẳng định, ngành tôm không thiếu mô hình, giải pháp hay kỹ thuật công nghệ, nhưng tất cả sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu như con giống không đảm bảo chất lượng. Mặt khác, với quy mô nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình với các mô hình nuôi cấp thấp (từ bán thâm canh trở xuống) chiếm đến 80% như hiện nay thì bài toán giảm giá thành, chi phí sản xuất là rất khó, vì nuôi nhỏ lẻ bao giờ cũng phải chịu chi phí đầu vào ở mức cao. “Chỉ có hợp tác, chúng ta mới đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp giảm chi phí, giá thành, tăng hiệu quả trên từng diện tích nhỏ lẻ của nông hộ”, Cục trưởng khuyến cáo.

TÍCH CHU