Những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng có biểu hiện rõ nét hơn, như: lạnh thất thường; nắng nóng gay gắt gây hạn hán kéo dài; mưa thường dồn dập tập trung; bão, áp thấp nhiệt đới cũng ngày một mạnh mẽ, khó đoán hơn nên sức tàn phá cũng ghê gớm hơn… Điển hình như cơn bão số 3 mang tên Yagi đã gây thiệt hại rất lớn cho các tỉnh phía Bắc và tàn phá thêm một số quốc gia khác. Hiện nay, tuy đã vào giữa tháng 11, nhưng trên biển Đông vẫn còn những cơn bão ngấp nghé, đe dọa đến đời sống, sản xuất của các tỉnh ven biển nước ta… Hay như đợt La Nina xuất hiện ở miền Tây vào năm 2014 khiến nền nhiệt độ trong khu vực giảm mạnh đến tháng 4 mà đêm vẫn còn se lạnh, tạo điều kiện cho virus đốm trắng - "hung thần" của ngành nuôi tôm bùng phát và gây thiệt hại trên diện rộng.
Trước sự thất thường của thời tiết, thị trường… lo xa là điều hết sức cần thiết đối với cả doanh nghiệp lẫn người nuôi tôm để giảm thiểu rủi ro và tận dụng tốt cơ hội. Ảnh: TÍCH CHU |
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta:
Khi thời tiết thất thường thái quá, đã vượt qua sự chịu đựng, nhất là con tôm nuôi hết sức nhạy cảm với sự biến động của môi trường, trong đó, nhiệt độ có biên dao động lớn là ải con tôm phải vượt qua đầu tiên. Nếu nhiệt độ thấp quá, virus sẽ có môi trường thuận lợi và nếu nhiệt độ cao quá lại là cơ hội cho vi khuẩn phát triển, trong đó có vi khuẩn gây hại cho tôm nuôi. Mưa dầm khiến môi trường nước nuôi biến động như độ mặn, pH, độ kiềm đều giảm; sức chống chọi của tôm giảm theo. Gió dữ khiến đàn tôm trong ao tìm nơi tránh trống, dễ bị stress. Và nếu bão về, sự tác hại trên ao tôm là “tổng hợp” các bất lợi vừa nêu!
“Trước sự thất thường của thời tiết như vậy thì làm sao người nuôi an tâm thả giống. Ao treo, người nuôi lấy đâu nguồn thu để trang trải cuộc sống. Hệ lụy đâu dừng lại ở đó, nhà máy chế biến làm sao có đủ tôm nguyên liệu; việc làm giảm, một bộ phận lao động sẽ thất nghiệp… Các dịch vụ cung ứng cho nuôi, chế biến cũng sẽ giảm quy mô hoạt động”, ông Lực chia sẻ.
Bên cạnh mối lo xa về thời tiết, ngành tôm vẫn luôn thường trực nỗi lo dịch bệnh và thị trường tiêu thụ. Có thể nói, dịch bệnh hiện đang là nỗi lo lớn không của riêng ai trong chuỗi giá trị ngành tôm, bởi một khi nghề nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh sẽ kéo theo sự sụt giảm của cả chuỗi giá trị ngành tôm, từ con giống, chế phẩm sinh học, thức ăn… cho đến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Sở dĩ nói dịch bệnh là nỗi lo lớn vì liên tục trong các năm gần đây, hầu như năm nào, nghề nuôi cũng có những tổn thất nhất định do dịch bệnh. Thậm chí, có những dịch bệnh đã trở thành nỗi ám ảnh người nuôi tôm, như trường hợp bệnh do nhiễm EHP là một điển hình. Trong khi đa phần người nuôi đều cho rằng, tỷ lệ tôm nuôi thành công thấp có nguyên nhân lớn nhất từ tôm giống nhiễm bệnh thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy có đầy đủ cơ sở khoa học để giải thích cho người nuôi tại sao mùa này, tháng này lại có nhiều EHP và EHP đến từ đâu…
Tỷ lệ tôm nuôi thành công còn thấp, nghề nuôi tôm đang ngày một khó khăn hơn khi ngoài sự thất thường của thời tiết, rủi ro từ dịch bệnh còn có sự tác động không nhỏ từ thị trường. Mấy năm gần đây, đặc biệt là từ sau dịch Covid-19, giá thức ăn tôm cùng một số yếu tố đầu vào khác của nghề nuôi tôm gần như chỉ có tăng chứ không hề giảm. Điều này, cùng với tỷ lệ nuôi thành công thấp đã làm cho giá thành tôm nuôi của Việt Nam thuộc hàng cao nhất so với các đối thủ cạnh tranh trên thế giới. Giá thành tôm nuôi cao, trong khi giá tôm thế giới lại không cao đã đẩy giá tôm trong nước giảm mạnh trong suốt thời gian dài, khiến nhiều hộ nuôi dù thu hoạch vụ đầu có sản lượng cũng ngậm ngùi ngưng nuôi vì suất đầu tư thì lớn, rủi ro lại cao nhưng lợi nhuận thì gần như bằng không.
Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau phản ánh:
Khả năng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm đạt là rất cao, nhưng dù có đạt đi chăng nữa thì cả người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều kém vui, thậm chí một số không được vui do lợi nhuận quá thấp hay thua lỗ.
Những diễn biến thất thường trên cho thấy, năm 2025 sẽ không ít bất lợi cho ngành tôm. Đó cũng là lý do khi được hỏi về việc có hay không cơ hội bứt phá của ngành tôm trong năm 2025, ông Lực thẳng thắn cho rằng, trước mắt, về chủ quan mà nói là không có gì rõ nét, nên nếu có, cơ hội chỉ có thể đến từ các yếu tố khách quan mà thôi. Do đó, vấn đề của ngành tôm là cần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm tôm của mình bằng cách giảm giá thành tôm nuôi vì giá tôm Việt Nam hiện quá cao, rất khó cạnh tranh với tôm giá rẻ các nước trong cùng phân khúc, mà một trong những nguyên nhân chính là do tỷ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam còn thấp.
Ông Lực chia sẻ: “Tỷ lệ thành công thấp cơ bản là chất lượng con giống chưa đồng đều, tôm giống chất lượng không đạt còn lén lút lưu hành và được tiêu thụ tại các vùng nuôi. Ngoài ra, còn có những vấn đề khác như: chuyện cấp mã số vùng nuôi, là đầu tư thủy lợi để có nước sạch cho nuôi tôm, là giải pháp phòng, trị các bệnh nguy hiểm trên tôm…”.
Từ góc nhìn đó, ông Lực chia sẻ thêm: “Thời buổi cạnh tranh khốc liệt, mang tính chất toàn cầu, ngành tôm chậm chân là thua thiệt, là tác động chuỗi tới hàng triệu người tham gia ngành hàng này. Cho nên các doanh nhân trong ngành luôn “lo xa” là điều cần thiết, hiển nhiên; trở thành “thói quen”, không có gì là bất an hết! Bao năm qua, bao nhiêu khó khăn chồng chất, với góc nhìn đó, ngành tôm đã luôn vượt dốc. Theo thời gian, kinh nghiệm thêm sâu, bản lĩnh thêm cao, chúng ta có nền tảng tự tin dù thất thường trong môi trường hoạt động có ra sao, cuối cùng sẽ là một ngành tôm có tầm vóc tốt hơn mà thôi”.
TÍCH CHU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin