Ứng phó và thích nghi

CTV 05:52, 05/11/2024

STO - Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam luôn có sự tăng trưởng khả quan dù vướng không ít vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) trong suốt hơn 20 năm qua. Điều đó cho thấy năng lực ứng phó của các doanh nghiệp thủy sản ngày một tốt hơn; khả năng chủ động, thích nghi trong phòng ngừa ngày một hiệu quả hơn.

Nếu như ở vụ PVTM đầu tiên mà ngành thủy sản đối mặt chính là vụ điều tra chống bán phá giá với cá tra, cá basa và sau này là con tôm, mức thuế mà doanh nghiệp áp lên rất cao, thì sau nhiều rà soát chỉ còn 1 - 3% và hiện tại có một số doanh nghiệp đã có mức thuế 0%. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp cũng dần thích nghi và có sự chủ động hơn trong các biện pháp phòng ngừa. Theo đánh giá của Cục PVTM (Bộ Công Thương), trong các nhóm ngành xuất khẩu, thủy sản là một trong những nhóm ngành có năng lực ứng phó cao với PVTM.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết:

Đến nay, tôm và cá tra vẫn tiếp tục bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp PVTM như: chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế… nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thuế suất 0% và duy trì được lượng xuất khẩu ổn định sang thị trường Hoa Kỳ. Kết quả này là nhờ có sự kiên trì và chủ động của các doanh nghiệp, sự tích cực của hiệp hội và sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước.

Để chủ động PVTM, từ vùng nuôi cho đến chế biến xuất khẩu cần có sự chuẩn bị chu đáo trong việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách, chứng từ.
Để chủ động PVTM, từ vùng nuôi cho đến chế biến xuất khẩu cần có sự chuẩn bị chu đáo trong việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách, chứng từ.

Đơn cử như vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh tại thị trường Hoa Kỳ, nhờ có sự chủ động và phối hợp tốt, nên trong phán quyết của DOC vào ngày 22/10 mới đây, mức thuế chung cho các doanh nghiệp Việt Nam chỉ là 2,84%, thấp nhất so với 3 nước còn lại là: Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Hay như vụ kiện chống lẩn tránh thuế đối với Công ty Minh Phú trước đây, sau nỗ lực chủ động phối hợp cung cấp hồ sơ, dữ liệu, Minh Phú đã chứng minh được rằng doanh nghiệp mình không vi phạm các quy định này và đã được phía DOC chấp nhận.

Mặc dù doanh nghiệp đã có sự chủ động hơn trong ứng phó với các vụ việc PVTM, nhưng theo VASEP, năng lực ứng phó của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tâm lý chủ quan trong việc lưu trữ hồ sơ sổ sách một cách đầy đủ, chưa chủ động áp dụng các chứng chỉ như OHSAS về xây dựng hệ thống quản lý an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, chứng nhận FSC bảo vệ rừng, SMETA về trách nhiệm xã hội… nhằm tuân thủ các quy định của thị trường.

Theo đánh giá của VASEP, điểm chung mà các vụ kiện PVTM nhắm tới chủ yếu là vùng nguyên liệu, sản xuất bán hàng của doanh nghiệp, nhưng xu hướng điều tra ngày càng khắt khe hơn, các yêu cầu về thông tin cần cung cấp, thời hạn trả lời... đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra cũng cao hơn. Phạm vi điều tra cũng ngày càng mở rộng, bao gồm cả các nội dung mới như điều tra, xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, điều tra định giá thấp tiền tệ trong khuôn khổ điều tra chống trợ cấp... Cùng với đó, mức thuế PVTM có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường. Do đó, doanh nghiệp cần quan tâm cũng như phải chuẩn bị ngay từ đầu hồ sơ, dữ liệu về các vấn đề này để có cách ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Để chủ động ứng phó với việc PVTM, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin, kiến thức cơ bản về PVTM, đồng thời, cân nhắc việc chủ động tham gia, cung cấp thông tin đầy đủ, đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Khi đã xác định được nguy cơ, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị trước về hệ thống quản trị doanh nghiệp, rà soát, kiểm tra lại hệ thống kế toán, sổ sách, chứng từ… bảo đảm đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh. Bên cạnh đó, thông qua đánh giá nguy cơ, doanh nghiệp nên xác định lại chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, đồng thời, phối hợp, chia sẻ thông tin để cùng ứng phó...

Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, các biện pháp PVTM sẽ ngày càng nhiều hơn, mức độ phức tạp, khắt khe ngày một lớn hơn, nên việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách một cách khoa học và dài hạn là vấn đề hết sức quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đáp ứng một cách nhanh chóng, chính xác và minh bạch những gì phía nguyên đơn yêu cầu, nhằm giảm thiểu thấp nhất rủi ro phát sinh trong quá trình điều tra.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng Thư ký VASEP khuyến cáo:

Hiện, ngày càng nhiều nguyên đơn tham gia vào các vụ kiện khiến sự việc phức tạp hơn. Do đó, để ứng phó tốt với vụ việc PVTM, các doanh nghiệp cần có sự đoàn kết, phối hợp với cơ quan chức năng và đặc biệt là nên sử dụng chung một đơn vị tư vấn pháp lý nhằm tạo sự thống nhất.

TÍCH CHU