Trong 3 năm trở lại đây, sản phẩm khô cá dứa một nắng Tâm An đã trở thành thương hiệu quen thuộc với thị trường trong và ngoài tỉnh. Theo HTX Thủy sản Tâm An, khóm Xẻo Me, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), sau khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao vào năm 2020 thì khô cá dứa một nắng của HTX được khách hàng ở các vùng miền biết đến nhiều hơn. Hiện sản phẩm này được bán chạy ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đã mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với các nhà phân phối trong cả nước để cung ứng sản phẩm.
HTX nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: XUÂN NGUYÊN |
Ở thị xã Vĩnh Châu có nhiều sản phẩm OCOP của các HTX gia tăng sức tiêu thụ, như: nhãn xuồng Vĩnh Châu của HTX Nhãn Vĩnh Châu, thanh long ruột đỏ của HTX Thanh long Hoàng Vũ, mãng cầu ta của HTX Mãng cầu ta Lai Hòa, tỏi và hành tím của HTX Hành tím Vĩnh Châu, Trứng bào xác artermia của HTX Artermia Vĩnh Châu… Theo thông tin từ Liên minh HTX Sóc Trăng, hiện có 22 HTX tham gia Chương trình OCOP phát triển trên 100 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 - 4 sao. Việc tham gia Chương trình OCOP đã giúp các HTX tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo động lực để các HTX đầu tư hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất.
“Các sản phẩm được công nhận OCOP được xem như "chiếc vé thông hành" giúp cho HTX nâng sức tiêu thụ, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, nếu HTX không chú trọng gìn giữ và nâng hạng sản phẩm thì theo thời gian sẽ giảm sức cạnh tranh. Do đó, các HTX phải luôn nỗ lực nâng chất lượng sản phẩm. Ghi nhận hiện nay là nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, thiết kế bao bì nhãn mác để hoàn thiện sản phẩm OCOP nhằm giữ hạng và nâng hạng”, ông Phạm Chí Nguyện - Chủ tịch Liên minh HTX Sóc Trăng nhận định.
Thông tin về quá trình xây dựng sản phẩm tôm một gió, ông Trần Quang Cần - Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Phú ở xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết: “Sản phẩm tôm một gió đạt OCOP 4 sao vào năm 2019. Đặt mục tiêu gìn giữ và phát triển thương hiệu, trong quá trình chế biến sản phẩm, HTX luôn tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng nguyên liệu tôm sạch, tươi mới, trọng lượng đạt chuẩn, được nuôi theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế ASC. HTX đã đầu tư hệ thống lò sấy, đăng ký thương hiệu, nhãn mác. Từ sự nỗ lực gìn giữ, nâng chất sản phẩm, hiện tôm một gió đã trở thành một trong những đặc sản, sản phẩm đặc trưng của huyện Cù Lao Dung”.
Có thể nói, Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc trưng, chuyển đổi quy mô sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với vai trò của HTX. Chương trình OCOP và giá trị từ sản phẩm OCOP mang lại đã giúp cho thành viên các HTX thay đổi về tư duy, phương thức sản xuất, tạo động lực để các HTX mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, chăm chút nâng chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại.
Ông Phạm Chí Nguyện chia sẻ thêm: “Để sản phẩm được chứng nhận OCOP là cả hành trình nỗ lực của các HTX. Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời quan tâm, hướng dẫn các HTX quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Các HTX cần tiếp tục phát huy nội lực, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, phát triển các sản phẩm thế mạnh để được công nhận, giữ hạng và nâng hạng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế”.
XUÂN THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin