Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù nhằm ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khai thác bến cảng Trần Đề, cảng biển Sóc Trăng

QUANG BÌNH 12:29, 25/12/2024

STO - Sáng ngày 25/12, tại UBND tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo báo cáo Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khai thác bến cảng Trần Đề. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương có liên quan.

Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng, Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ “ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định rõ, đến năm 2030: “Hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó Cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng”.

Ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy hoạch cảng biển Sóc Trăng với trung tâm là bến cảng Trần Đề tiềm năng trở thành 1 trong 6 cảng biển đặc biệt của Việt Nam (bao gồm 2 cảng hiện hữu là Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu cùng 4 cảng tiềm năng là Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Sóc Trăng) với chức năng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo; có các bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư. Tiềm năng phát triển phía ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: QUANG BÌNH

Hiện nay, hơn 70% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long phải vận chuyển bằng đường bộ lên cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ. Do đó, việc phát triển bến cảng Trần Đề sẽ tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về tiếp cận trực tiếp với các tuyến vận tải biển quốc tế của hàng hóa trong vùng…

Thảo luận tại buổi làm việc, đại biểu nêu các ý kiến xoay quanh về việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khai thác nhằm sớm thu hút nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề, cảng biển Sóc Trăng, bao gồm: các cơ chế, chính sách theo quy định hiện hành; các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền ban hành của tỉnh Sóc Trăng; các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Quốc hội…

Đồng chí Trần Văn Lâu cho rằng, việc triển khai nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù nhằm ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khai thác bến cảng Trần Đề, cảng biển Sóc Trăng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thu hút nhà đầu tư cũng như đảm bảo khai thác hiệu quả bến cảng Trần Đề, góp phần hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Do đó, trong đề án này cần xác định lại khâu lộ trình, quy trình; đề án xây dựng khá chặt chẽ, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, qua đó đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến góp ý của các sở, ban ngành có liên quan để hoàn thiện đề án quan trọng này.

QUANG BÌNH