Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng, trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm, chú trọng. Theo đó, tỉnh luôn định hướng việc phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Ngày 2/1/2024, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Kết luận số 286-KL/TU về việc sửa đổi khoản 7, mục IV, Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cụ thể: “không đầu tư, xây dựng nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngoài khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Xây dựng lộ trình và có chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào khu, cụm công nghiệp khi các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố được đầu tư”. Song song đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường luôn được quan tâm thực hiện, tổ chức thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng, dễ theo dõi, dễ tiếp cận, tiếp thu, từ đó cho thấy ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày được nâng lên, thể hiện rõ qua thành quả đạt được khi thực hiện các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Những hành động thiết thực nhằm góp phần bảo vệ môi trường trên địa bà tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH |
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường cũng gặp phải những hạn chế, khó khăn nhất định. Cụ thể, công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ nhạy cảm, vừa phức tạp, vừa cấp bách có liên quan đa lĩnh vực nhưng thực trạng công tác đầu tư thiết bị kỹ thuật, hạ tầng, kinh phí hoạt động về bảo vệ môi trường nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay. Ngoài ra, nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến, song vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là khu vực nông thôn nhận thức chưa cao, vẫn còn xảy ra tình trạng vứt rác thải không đúng nơi quy định, đổ xả chất thải bừa bãi ra ngoài môi trường, sông, kênh hoặc khu vực công cộng gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước, gây ô nhiễm cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường sống, phát sinh dịch bệnh và làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên đất, nước, không khí. Công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường hiện nay ở một số địa phương vẫn còn chậm khắc phục, nhất là các làng nghề, khu chăn nuôi tập trung,... Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện đúng các nội dung cam kết về môi trường, còn tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường; việc vận hành hệ thống xử lý chất thải chưa bảo đảm. Vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là trên kênh, rạch và các bãi rác chưa được xử lý dứt điểm; hạ tầng kỹ thuật môi trường ở khu vực đô thị và nông thôn phát triển chưa đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, nguy hại, nước thải sinh hoạt đô thị và công nghiệp chưa được triệt để; chất lượng môi trường nước đang bị ô nhiễm cục bộ, một số nơi ô nhiễm kéo dài và có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tại khu vực đô thị; ô nhiễm bụi, tiếng ồn, khí thải từ hoạt động giao thông vận tải, hoạt động xây dựng, cơ sở sản xuất, quá trình xử lý chất thải chưa được quản lý chặt chẽ; tình trạng khai thác tầng đất mặt trên diện tích trồng lúa không đúng quy định, làm suy thoái môi trường đất; chất thải nông nghiệp ở khu vực nông thôn vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả. Ngoài ra, về hạ tầng công trình bảo vệ môi trường ở các đô thị (như hệ thống thu gom và xử lý nước thải); hạ tầng kỹ thuật tại bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn tập trung hợp vệ sinh, bố trí điểm trung chuyển rác và dự án xử lý rác thải chưa được đầu tư, đầu tư chưa đồng bộ và chưa đáp ứng tốc độ phát triển dẫn đến những vấn đề môi trường vẫn còn tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Trước thực trạng nêu trên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng, giải pháp chính bảo vệ môi trường trong tình hình mới là Sóc Trăng sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; các chiến lược, chương trình, kế hoạch quốc gia về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp các nghị quyết, chỉ thị, chương trình của địa phương về môi trường, biến đổi khí hậu, bảo đảm các ngành và mọi người dân đều nhận thức đầy đủ và có trách nhiệm cao trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương nhằm nâng cao tính chủ động, nhất là chủ động về xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, kế hoạch ứng phó sự cố chất thải.
Song song đó, Sóc Trăng sẽ triển khai các nhiệm vụ, phương án bảo vệ môi trường theo Quyết định số 995/QĐ-TTg, ngày 25/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về: Phương án xử lý chất thải rắn; phân vùng môi trường; phương án bảo tồn đa dạng sinh học; quan trắc môi trường; triển khai các chương trình, dự án kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị. Đồng thời xem xét, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hằng năm đảm bảo cho việc xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; có chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư các dự án thân thiện với môi trường, khuyến khích các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, đặc biệt là các dự án xử lý chất thải rắn tạo điện năng hoặc dự án xử lý chất thải rắn có công nghệ tái chế nhựa tạo sinh khối.
Tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời đến người dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Đa dạng hóa, đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động sự tham gia của các hội, đoàn thể và các đơn vị có liên quan tuyên truyền ngày càng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
QUANG BÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin