Hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 11, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Kế Sách đã có điều kiện về nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình là hộ ông Bùi Văn Khải, ngụ ấp Xóm Đồng 1, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách - một trong những hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình cho vay vốn theo Nghị quyết số 11.
Vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, ông Bùi Văn Khải thực hiện mô hình kinh tế vườn mang lại hiệu quả khá cao. Ảnh: QUANG BÌNH
Thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các loại trái cây đều không tiêu thụ được nên nhà vườn bị ảnh hưởng nguồn thu nhập rất nhiều. Từ năm 2022 đến nay, tình hình đã ổn định hơn nên nhà vườn bắt đầu khôi phục lại vườn cây ăn trái. Gia đình ông đã vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách 70 triệu đồng để cải tạo vườn, mua phân bón, thuốc trừ sâu… chăm sóc vườn mít, mận, ổi. “Sau khi có vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, tôi thực hiện ngay mô hình trồng cây ăn trái lấy ngắn nuôi dài. Sau thời gian chăm sóc thì mít, mận, ổi đã cho thu hoạch khá ổn định, từ đó gia đình có điều kiện trả nợ, lãi và gửi tiết kiệm hằng tháng vào NHCSXH”, ông Bùi Văn Khải phấn khởi thông tin.
Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, gia đình ông Lê Văn Một, Ấp 5A, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách có kinh phí mua thêm cây sầu riêng về trồng, chăm sóc vườn phát triển tốt. Trao đổi với chúng tôi ngay tại vườn, ông Một phấn khởi cho biế
t
: "Được sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện từ chính quyền địa phương và NHCSXH, gia đình tôi được tiếp cận vay vốn 50 triệu đồng để mở rộng vườn sầu riêng. Có số vốn trong tay cùng nguồn vốn tích góp của gia đình, tôi tiến hành mua 260 cây sầu riêng trồng trên diện tích 18.000m2; đồng thời mua phân bón, thuốc trừ sâu… chăm sóc những cây sầu riêng trồng trước đó. Sau thời gian chăm sóc đến nay, cây sầu riêng đã phát triển tốt và bắt đầu cho trái đạt kích cỡ để xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, gia đình sẽ trả nợ, lãi và gửi tiết kiệm hằng tháng vào ngân hàng”.
Ông Lê Văn Một, Ấp 5A, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) (bìa phải) vay vốn từ NHCSXH để phát triển vườn sầu riêng đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: QUANG BÌNH
Ngay khi Nghị quyết số 11 được triển khai vào tháng 1/2022, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cùng với các cấp chính quyền địa phương đã tuyên truyền rộng rãi về nội dung Nghị quyết số 11 đến toàn thể nhân dân trên địa bàn biết và triển khai thực hiện công tác rà soát để đầu tư đúng mục đích, trọng tâm, trọng điểm;, trong đó đặc biệt là nguồn vốn hộ mới thoát nghèo và nguồn vốn giải quyết việc làm của Nghị quyết số 11 đã hỗ trợ rất tốt, rất kịp thời để góp phần khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19. Trong thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn bằng nhiều giải pháp gắn với thực tế, trong đó quan tâm sâu sát công tác đầu tư đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, thời gian qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách đã hướng dẫn người dân hoàn tất các thủ tục để giải ngân kịp thời các nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đồng chí Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách cho biết, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ là chương trình có ý nghĩa to lớn, mang tính nhân văn. Từ khi nghị quyết được ban hành, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành có liên quan rà soát các đối tượng thụ hưởng, có nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất… Đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn huyện Kế Sách đạt trên 535 tỷ đồng và 17.408 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, đã giải ngân theo Nghị quyết số 11 trên 63 tỷ đồng, với 1.248 hộ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện còn 6,03%, hộ cận nghèo còn 11,15%.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Chí Cường, từ khi có Nghị quyết số 11 của Chính phủ, người dân rất phấn khởi và vui mừng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19. Trong thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ người dân sử dụng vốn đạt hiệu quả, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
Có thể khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách do Phòng Giao dịch NHCSXH Kế Sách thực hiện thời gian qua đã trở thành “điểm tựa” giúp người dân tạo sinh kế, củng cố, phát triển sản xuất. Tiếp nối các chương trình tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 là một trong những giải pháp tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, an tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
QUANG BÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin