Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế từ mô hình nuôi dê

06:59, 25/06/2024

STO - Với đặc tính dễ nuôi, sức đề kháng tốt, chi phí đầu tư thấp do nguồn thức ăn dễ tìm kiếm, nhiều hộ nông dân đã tự tìm hướng đi riêng cho mình bằng cách chuyển đổi vật nuôi từ heo, bò, gà sang nuôi dê nhốt chuồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Hiện nay, người dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) chủ yếu thu nhập từ cây lúa và chăn nuôi, mua bán nhỏ lẻ, đặc biệt gắn bó với nghề chăn nuôi heo quanh năm, chính vì vậy thời gian qua các cấp, các ngành luôn quan tâm công tác giảm nghèo tại địa phương. Với việc thích ứng môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Phường 3 (thị xã Ngã Năm) đã đề xuất UBND mở các lớp dạy nghề - tạo việc làm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong hội viên phụ nữ, góp phần tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ đồng thời thu hút hội viên tham gia vào tổ chức hội.

Mô hình nuôi dê của chị Hà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: QUANG BÌNH

Qua đó, Hội LHPN Phường 3 mạnh dạn đứng ra bảo lãnh cho hội viên, phụ nữ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) và chương trình vay vốn khởi nghiệp của hội LHPN cấp trên tổng số vốn trên 20 tỷ đồng, giúp hơn 500 hội viên và phụ nữ phát triển kinh tế. Điển hình chị Phạm Thị Thu Hà, ở khóm Vĩnh Tiền, Phường 3 (thị xã Ngã Năm) thành công với mô hình nuôi dê nhốt chuồng.

Năm 2020, chị Hà mạnh dạn làm chuồng trại để nuôi dê sinh sản. Được sự quan tâm của Hội LHPN phường giới thiệu vay vốn từ Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Ngã Năm và vốn khởi nghiệp, chị Hà đã thực hiện mô hình. Sau 4 năm chăn nuôi, từ 6 con dê ban đầu (con giống được cung cấp từ Đồng Nai, có nguồn gốc rõ ràng), đến nay tổng đàn dê của gia đình đã lên đến 50 con; trong đó 17 con dê sinh sản và 33 dê tơ.

“So với các loại vật nuôi khác thì nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn. Bình quân mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, đặc biệt có những lứa lên đến 3 - 4 con. Dê nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 25 - 30kg, được các thương lái trong và ngoài địa bàn tiêu thụ hết với giá bán dao động từ 120.000 - 135.000 đồng/kg nên cho thu nhập khá”, chị Hà cho biết.

Không chỉ bán dê thịt, chị Hà còn bán con giống. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Nuôi dê khá tiện lợi, ít công chăm sóc, đặc biệt là hiện nay khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, mô hình nuôi dê nhốt chuồng này lại ổn định hơn so với những loại khác. Bởi nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ, lá, bắp... Giá cả và đầu ra ổn định nên các năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi dê. Theo các hộ chăn nuôi, lợi thế lớn nhất khi nuôi dê là tận dụng được thức ăn có sẵn trong vườn nhà. Vì dê là loài ăn tạp nên không tốn nhiều chi phí để mua thức ăn mà chỉ tốn công cắt cỏ và các loại rau, lá.

Mô hình chị Hà là một trong những mô hình làm ăn có hiệu quả từ các nguồn vốn vay trên địa bàn, đặc biệt các nguồn vốn từ dự án tín dụng tiết kiệm và khởi nghiệp của hội LHPN cấp trên, cũng là mô hình được điển hình nhân rộng, góp phần cùng địa phương xây dựng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững.

PHƯƠNG ANH