Cùng với đồng chí Trần Nguyễn Khoa Đăng - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trần Đề, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi bò thịt của gia đình anh Thạch Ngọc Hùng, ngụ ấp An Hòa 2, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề. Trao đổi với chúng tôi, anh Hùng phấn khởi cho biết: “Tôi khởi nghiệp từ mô hình nuôi bò chỉ với 5 con. Sau đó, tôi muốn mở rộng chuồng trại chăn nuôi mà thiếu vốn. Rồi cơ hội cũng đến khi chính quyền địa phương cùng hội, đoàn thể và Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trần Đề xem xét cho vay vốn ưu đãi nên gia đình mở rộng mô hình và tổng đàn bò hiện có 33 con, cho thu nhập ổn định".
Chia tay gia đình anh Hùng, chúng tôi đến xã Tài Văn để tham quan mô hình vườn - ao - chuồng của ông Lâm Tấn Thành, ngụ ấp Bưng Cà Pốt, xã Tài Văn. Vừa gặp chúng tôi, ông Thành phấn khởi cho biết, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trần Đề, năm 2021, gia đình ông được vay vốn 50 triệu đồng thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB xã Tài Văn quản lý để thực hiện mô hình chăn nuôi. Có vốn trong tay, ông Thành tiến hành mua 3 con bò chăm sóc và sửa chữa chuồng trại. Sau 2 năm, mô hình cho lợi nhuận đáng kể, ông quyết định vay thêm 80 triệu đồng để mở rộng đầu tư trồng sen, kết hợp nuôi cá và lên liếp trồng vườn theo mô hình vườn - ao - chuồng trên 7.000m2 đất của gia đình. Trao đổi với chúng tôi, ông Thành cho biết, hiện nay thu nhập từ mô hình sản xuất, kinh doanh đã giúp cho gia đình ông vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định kinh tế.
Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã mang đến “luồng sinh khí mới” cho hộ dân trên địa bàn huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: QUANG BÌNH
Để nguồn vốn ưu đãi theo Chỉ thị số 40 phát huy hiệu quả và thực hiện chính sách an sinh “không để ai bị bỏ lại phía sau”, vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở là vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hội CCB xã Tài Văn Nguyễn Hoàng Mảnh cho biết, thời gian qua, đơn vị đã rà soát, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng có nhu cầu vay vốn, đề xuất với NHCSXH triển khai cho vay các chương trình tín dụng. Bên cạnh đó, phối hợp, tạo điều kiện cho người dân làm các thủ tục vay vốn, cũng như giám sát các đối tượng vay, tuyên truyền đến các hộ dân được vay phải sử dụng đúng mục đích.
Chỉ thị số 40 đã mang đến “luồng sinh khí mới”, thúc đẩy mạnh mẽ tư duy và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự chủ động trong việc phối hợp triển khai có hiệu quả, đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Trần Đề.
Đồng chí Trần Nguyễn Khoa Đăng - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trần Đề thông tin, tính đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH đã đầu tư cho vay trên 543 tỷ 379 triệu đồng với 15.786 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách, các hộ gia đình có vốn kịp thời để đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và trang trải các chi phí, đáp ứng nhu cầu thiết yếu cuộc sống; đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại các vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
“Đặc biệt, sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn huyện Trần Đề, doanh số cho vay đạt 1.072 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng từ 196 tỷ đồng năm 2014 lên 544 tỷ đồng, giúp cho hơn 43.757 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Bên cạnh đó, đã chuyển từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay với số tiền trên 9 tỷ 600 triệu đồng”, đồng chí Trần Nguyễn Khoa Đăng cho biết thêm.
Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và Ban đại diện NHCSXH huyện Trần Đề sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, đẩy nhanh các chương trình cho vay đến các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời cân đối nguồn lực, bố trí vốn chuyển sang Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để bổ sung nguồn lực cho vay, để các đối tượng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước đề ra.
QUANG BÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin