Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới…
Tạo sức lan tỏa, đưa chính sách đi vào cuộc sống
Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị số 40-CT/TW) đã tạo thành một “trụ đỡ” chính sách, góp phần thúc đẩy công cuộc giảm nghèo bền vững. Tròn 1 thập kỷ đi vào đời sống, Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng không chỉ là “cầu nối” đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người dân mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo, phát triển bền vững.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Ảnh: QUANG BÌNH
Được Phòng Giao dịch NHCSXH rót vốn, chị Huỳnh Thị Liễu, ngụ ấp Kiết Nhất B, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trò chuyện với chúng tôi về quá trình “khởi nghiệp”, chị Liễu tâm tình: “Trở về quê hương lập nghiệp sau đại dịch Covid-19, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh. Thông qua tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương, gia đình tôi đã tiếp cận được nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thạnh Trị là 100 triệu đồng để mở may gia công tại nhà. Đến nay, mô hình được thực hiện khá thành công, không chỉ giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp 15 chị em trong xóm có việc làm thêm những lúc nông nhàn”.
Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng chí Trần Quốc Giới - Chủ tịch UBND xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) cho biết: “Đến nay, trên địa bàn xã được tiếp nhận vốn từ NHCSXH với tổng dư nợ gần 70 tỷ đồng để thực hiện các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch... đặc biệt là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đạt trên 10 tỷ đồng, huyện đối ứng hỗ trợ trên 3 tỷ đồng. Đến nay, các hộ vay vốn đảm bảo thực hiện đúng chương trình đã vay, đều chí thú làm ăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình”.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thạnh Trị đã và đang triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đồng chí Nguyễn Văn Tròn - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thạnh Trị thông tin: “Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, vốn ngân sách huyện chuyển qua NHCSXH trên 11 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các chương trình cho vay, gồm: hộ nghèo, lao động làm việc ở nước ngoài và cho vay giải quyết việc làm. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể của từng địa phương triển khai rà soát, tiếp tục hỗ trợ vốn cho những hộ có phương án tái sản xuất cần thêm nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.
Lãnh đạo NHCSXH Việt Nam khảo sát các mô hình sử dụng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Ảnh: QUANG BÌNH
Chia tay xã Lâm Tân, chúng tôi đến ấp An Phước A1, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) để tham quan trang trại nuôi ếch của chị Phan Thị Út. Tiếp chuyện với chúng tôi, chị Út bộc bạch: “Ban đầu khởi nghiệp từ mô hình này, gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Nhờ chính quyền địa phương và Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Tú hướng dẫn tận tình về quy trình thủ tục và được hỗ trợ vốn vay với số tiền là 70 triệu đồng, nhờ nguồn vốn vay này mà gia đình tôi đã có điều kiện để mở rộng mô hình nuôi và bán ếch giống, cho nguồn thu nhập ổn định, đời sống vật chất cũng khá hơn những năm trước”.
Đồng chí Nguyễn Văn Ngoan - Chủ tịch UBND xã Long Hưng cho biết: “Nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo duy trì và mở rộng việc làm, cải thiện kinh tế hộ gia đình. Hướng tới, UBND xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, đoàn thể xã phối hợp, kết hợp tốt với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện trong sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, phát huy lợi thế địa phương”.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Tú được giao thực hiện 20 chương trình cho vay, với tổng dư nợ trên 503 tỷ đồng, với hơn 14,4 ngàn hộ còn dư nợ, bình quân mỗi hộ có dư nợ trên 34,9 triệu đồng. Đồng chí Trần Phước Phi Bằng - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Tú cho biết: “Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, vốn ngân sách huyện chuyển qua NHCSXH trên 14 tỷ đồng. Qua đó, đơn vị đã chủ động phối hợp các cấp ủy, hội, đoàn thể tham mưu UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện chỉ đạo các ngành và các địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, đủ điều kiện vay vốn”.
Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Sóc Trăng đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong từng giai đoạn về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam trong lần khảo sát các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH
Về kết quả bố trí, huy động nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2014 - 2024, theo NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, nguồn ngân sách địa phương đã chuyển sang NHCSXH số tiền trên 339 tỷ đồng, chiếm 6,08%/tổng nguồn vốn (tăng 293 tỷ đồng, gấp 7,4 lần so với trước khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành) để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trong đó, ngân sách cấp tỉnh chuyển sang trên 197 tỷ đồng; ngân sách các huyện, thị xã, thành phố chuyển sang 121 tỷ đồng; nguồn vốn từ cuộc vận động Vì người nghèo do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng phát động và nguồn vốn Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chuyển ủy thác sang NHCSXH 21 tỷ đồng.
Đồng chí Trịnh Bích Tuyền - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Tính đến nay, tổng nguồn vốn Trung ương và địa phương giao NHCSXH Chi nhánh tỉnh quản lý đạt 5.584 tỷ đồng, tăng 3.328 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14%/năm. Trong 10 năm qua, NHCSXH đã giải ngân cho vay trên 739.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, số tiền 13.786 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 8.230 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt 5.465 tỷ đồng, tăng 3.217 tỷ đồng so với thời điểm năm 2014 (tỷ lệ 143%), với trên 158.000 hộ vay vốn còn dư nợ;... NHCSXH đã tổ chức được mạng lưới 3.171 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động rộng khắp tất cả ấp, khóm trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Có 109 điểm giao dịch/tổng số 109 xã, phường, thị trấn và được tổ chức giao dịch vào một ngày cố định hằng tháng với mục đích tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi của người vay và thực hiện dân chủ, công khai".
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội mà NHCSXH đang thực hiện, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
QUANG BÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin