Muốn chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhưng gia đình chị Phan Thị Út ngụ ấp An Phước A1, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú gặp khó khăn về nguồn vốn. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của chính quyền địa phương xã Long Hưng và Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Tú về quy trình thủ tục nên gia đình chị Út đã tiếp cận được nguồn vốn.
Với nguồn vốn vay từ NHCSXH, gia đình chị Phan Thị Út, ấp An Phước A1, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã thực hiện thành công mô hình nuôi ếch. Ảnh: QUANG BÌNH
Chị Phan Thị Út cho biết: “Vợ, chồng tôi đã chọn mô hình nuôi ếch thịt và bán ếch giống nhưng thiếu vốn nên được chính quyền địa phương và NHCSXH xem xét hỗ trợ vốn vay 70 triệu đồng, cộng với số tiền tích lũy nên đã mở rộng mô hình nuôi. Từ đó việc chăn nuôi và bán ếch giống ngày càng hiệu quả, có nguồn thu nhập ổn định, đời sống vật chất cũng khá hơn những năm trước”.
Cũng như những hộ chuyển đổi mô hình sản xuất ở địa phương, khi chuẩn bị xây chuồng nuôi cua đinh thì gia đình ông Dương Văn Lắm ở ấp Tân Phước A2, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú gặp khó khăn về nguồn vốn. Khó khăn này rồi cũng được giải quyết khi chính quyền địa phương cùng với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Tú xem xét cho gia đình ông Lắm vay 50 triệu đồng để ông đầu tư phát triển mô hình nuôi cua đinh. “Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi này mà gia đình tôi thực hiện được mô hình. Tôi chịu khó học hỏi cách nuôi cua đinh nên đã mang về nguồn thu nhập ổn định trong những năm qua từ việc bán cua thịt và cua giống”, ông Lắm phấn khởi cho biết.
Các mô hình hiệu quả nêu trên cho thấy, thông qua nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách và hộ chí thú làm ăn có nguồn vốn để chuyển đổi, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Nguyễn Văn Ngoan - Chủ tịch UBND xã Long Hưng cho biết: “Thời gian qua, UBND xã thường xuyên chỉ đạo cho các hội - đoàn thể nhận ủy thác từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện và ban nhân dân các ấp khảo sát tình hình phát triển kinh tế tại địa phương và nhu cầu của người dân trên địa bàn nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và thường xuyên phối hợp cùng với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện bố trí nguồn lực về vốn, chỉ đạo các phòng, ban ngành có liên quan hỗ trợ về kỹ thuật, UBND xã cũng thường xuyên chỉ đạo rà soát đối tượng thụ hưởng, đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách kịp thời đến nhân dân trên địa bàn xã nhằm giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay, chí thú làm ăn, từng bước vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững”.
Hiện nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Tú được giao thực hiện 20 chương trình cho vay, như: cho vay hỗ trợ đất ở; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi nghề; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị… Đối tượng vay vốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, hoặc hộ nghèo dân tộc khác ở xã đặc biệt khó khăn và các đối tượng chí thú làm ăn. Đến nay, tổng dư nợ đạt trên 503 tỷ đồng, với trên 14,4 ngàn hộ còn dư nợ, bình quân mỗi hộ có dư nợ trên 34,9 triệu đồng.
Ông Trần Phước Phi Bằng - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Tú thông tin, trong quá trình hoạt động, đơn vị đã chủ động phối hợp các cấp ủy, hội, đoàn thể tham mưu UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện chỉ đạo các ngành và các địa phương có liên quan. Tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, đủ điều kiện vay vốn; công tác bình xét được công khai, minh bạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Qua đó, đã đáp ứng nguồn vốn kịp thời cho các hộ chí thú làm ăn, vượt khó, thoát nghèo để chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất.
Việc giải ngân vốn từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Tú thời gian qua luôn kịp thời nên đã hỗ trợ cho nhiều hộ dân, đặc biệt là các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được nguồn vốn để ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
QUANG BÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin