Mở cánh cửa “hy vọng” cho người chấp hành xong án phạt tù

05:20, 13/08/2024

STO - Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (viết tắt là Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg) được thực hiện từ ngày 10/10/2023 đến nay đã đem đến nhiều hy vọng, cơ hội cho người lầm lỡ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), từ khi triển khai thực hiện quyết định đến nay, có rất nhiều trường hợp vay vốn đã cố gắng vươn lên, cuộc sống ổn định.

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, người chấp hành xong án phạt tù có mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người. Với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cù Lao Dung đã xét, giải ngân nguồn vốn này cho nhiều người chấp hành xong án phạt tù. Mở ra nhiều hy vọng cho những người đã lầm lỗi phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định. Được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cù Lao Dung xét cho vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg với số tiền 90 triệu đồng, anh Trần Văn Cường, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung đầu tư cải tạo 6 công đất trồng mía. Bình quân mỗi vụ mía anh thu được 60 triệu đồng. Ngoài trồng mía, anh còn làm nhiều việc, có nguồn thu nhập ổn định, bình quân mỗi tháng hơn 25 triệu đồng.

Vốn vay từ NHCSXH đã mở cánh cửa “hy vọng” về tương lai cho người lầm lỡ. Ảnh: NGỌC HẢI

Trò chuyện với chúng tôi, anh Cường trải lòng: “3 năm trong trại, tôi rất tiếc khoảng thời gian đó mình không tiếp giúp được gì cho gia đình, vợ con. Khi trở về địa phương, tôi tiếp nối công việc gia đình cho thuê rạp cưới và bán thịt heo. Được gia đình cho 6 công đất trồng mía, mỗi vụ cũng tốn nhiều chi phí cải tạo đất, mua mía giống. Cho thuê rạp cưới cũng tốn nhiều chi phí đầu tư mua đồ đạc nhiều. Cần vốn xoay xở, tôi hỏi vay nhiều chỗ, lãi suất khá cao. Được biết về Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, tôi phấn khởi lắm, tôi làm hồ sơ vay và được rót vốn 90 triệu đồng, với thời hạn tận 5 năm, lãi suất rất thấp”.

Anh Cường cho rằng đây là cơ hội tốt và anh phấn đấu làm ăn, sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Ông Phạm Minh Hùng - Bí thư Chi bộ ấp Đoàn Văn Tố (xã Đại Ân 1) cho biết: “Từ khi về địa phương, Cường rất chịu khó, lo làm ăn. Anh còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thuê người lắp ráp rạp cưới. Có nguồn thu nhập ổn định nhưng Cường chịu khó làm thêm, mở rộng kinh doanh, mua bán để cuộc sống tốt hơn nữa”.

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg đã mang lại cho những người chấp hành xong án phạt tù điểm tựa vững chắc, kiến tạo cuộc sống mới. Hành trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời mới của những người lầm lỡ giờ không còn đơn độc nhờ có sự đồng hành, tiếp sức từ chính sách tín dụng rất nhân văn của Chính phủ. Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Nuôi, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung vẫn chưa quên giây phút “mừng rớt nước mắt” khi cầm trong tay số tiền 70 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH giải ngân vốn vay.

Chị Út Tám (vợ anh Nuôi) chia sẻ: “Chồng tôi là tài xế xe tải, mức lương mỗi tháng kiếm được 7 - 8 triệu đồng. Còn tôi bán đồ ăn sáng mỗi ngày cũng thu nhập 200.000 đồng. Cuộc sống yên bình của chúng tôi bị xáo trộn khi anh vô tình chạy xe va phải người đi bộ, khiến ông ấy tử vong. Tai nạn bất ngờ, chúng tôi cũng vay mượn để bồi thường cho gia đình nạn nhân 120 triệu đồng. Anh thì hưởng án treo 1 năm. Nhờ được vay vốn NHCSXH, vợ chồng tôi cũng trả nợ phần nào. Nhà tôi có 5 công mía, chúng tôi cố gắng làm tích góp để trả nợ ngân hàng đúng hạn”. Chị Tám cũng chia sẻ thêm là thủ tục vay vốn ngân hàng đơn giản, giải ngân vốn nhanh và hạn vay kéo dài, lãi suất thấp. Chính điều đó giúp những trường hợp lầm lỡ thêm cơ hội, chuyên tâm làm ăn để hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt hơn.

Theo ông Phạm Trường Giang - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cù Lao Dung, từ khi thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg cho đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã xét cho 15 trường hợp vay vốn với tổng số tiền trên 1,1 tỷ đồng, riêng đầu năm 2024 đến nay đã xét vay 7 trường hợp với tổng số tiền 670 triệu đồng. Thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Chính phủ, bám sát chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, NHCSXH Chi nhánh tỉnh. Phòng Giao dịch còn tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện tạo mọi nguồn lực để giúp đối tượng chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện, có nhu cầu đều được vay vốn chương trình, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Phòng Giao dịch NHCSXH huyện còn phối hợp hội, đoàn thể các cấp tăng cường kiểm tra giám sát, làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy hiệu quả vốn vay.

Chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ chính sách này góp phần ngăn ngừa và hạn chế tình trạng tái phạm tội để giữ vững tình hình trật tự, an toàn xã hội đem lại cuộc sống bình yên địa phương.

NGỌC HẢI