Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư

05:20, 06/08/2024

STO - Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Sau 10 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến nay, hoạt động tín dụng chính sách đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phổ biến, tuyên truyền các nội dung của chỉ thị quan trọng này.

Ngay sau khi Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư được ban hành, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Công văn số 291, ngày 27/4/2015 về việc triển khai Chỉ thị số 40 trong hệ thống mặt trận từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời bám sát các nội dung của chỉ thị và căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40 đến cán bộ MTTQ và đoàn viên, hội viên, nhân dân.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư. Ảnh: QUANG BÌNH

Theo đồng chí Từ Tố Quyên - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội, gắn với triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện. Nhằm huy động nguồn lực Quỹ Vì người nghèo và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, Mặt trận các cấp trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động và thực hiện Cuộc vận động Ngày vì người nghèo, Tháng hành động “Vì người nghèo” (từ ngày 17/10 đến 17/11 hằng năm), vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân trong và ngoài tỉnh với tấm lòng “Tương thân, tương ái”, quan tâm ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và thống nhất nguồn tiền nhận hỗ trợ và kinh phí nguồn vận động Quỹ Vì người nghèo được giao dịch qua tài khoản mở tại Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp (đến nay đã phát sinh giao dịch với số tiền trên 9,6 tỷ đồng).

Từ năm 2021 đến nay, hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức phát động “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi tạo sự lan tỏa và thực hiện tốt mục tiêu huy động nguồn lực, bổ sung nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Đồng thời ủy thác 10,5 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhằm phối hợp triển khai tốt công tác tuyên truyền, các hoạt động giám sát và phản biện xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, vận động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội, MTTQ Việt Nam các cấp đã ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp.

“Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nguồn vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội; góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách thực hành tiết kiệm, làm quen với việc vay vốn, trả nợ ngân hàng, từng bước thay đổi nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo”, đồng chí Từ Tố Quyên cho biết thêm.

Thông qua vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để đi học, xây dựng nhà ở, các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,49% đầu năm 2014 xuống còn 2,54% đầu năm 2024 và hộ cận nghèo từ 13,13% năm 2014 xuống còn 6,46%, góp phần thực hiện hoàn thành 9/19 tiêu chí nông thôn mới tại tỉnh.

QUANG BÌNH