Thông tin nông nghiệp - ngày 19/8

23:55, 19/08/2024

* Ở Sóc Trăng, rầy nâu trên đồng hiện phổ biến tuổi 1 - 3, nhiễm nhẹ đến trung bình. Nông dân cần tiếp tục theo dõi diễn biến rầy nâu ngoài đồng, nhất là trên các trà lúa trổ chín, gieo sạ giống nhiễm rầy; chú ý các bệnh cháy bìa lá ở trà lúa đẻ nhánh đến đòng, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt ở trà lúa đòng đến trổ chín, đặc biệt trên những ruộng sử dụng giống nhiễm, sạ dày, bệnh có khả năng xuất hiện và gây hại nặng. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt, nông dân cần chủ động phun ngừa vào thời điểm lúa trổ lẹt xẹt và trổ đều; áp dụng biện pháp rút nước giữa vụ đối với trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng và rút cạn nước từ 7 - 10 ngày trước thu hoạch để mặt đất cứng, hạn chế đổ ngã và dễ thu hoạch; tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, dịch hại... trên các loại cây trồng nhằm chủ động phát hiện và có biện pháp quản lý kịp thời.

* Trong tuần qua, kết quả quan trắc ghi nhận tại 4 huyện, thị xã nuôi tôm trọng điểm ở Sóc Trăng có độ mặn dao động từ 0 - 15‰. Đa số các khu vực có độ mặn xấp xỉ hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên một vài tuyến sông tại huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu vẫn còn độ mặn. Do đang là mùa mưa, độ mặn ngoài tự nhiên đã giảm nhiều, hiện tượng xâm nhập mặn cũng giảm nên người nuôi tôm cần kiểm tra kỹ độ mặn trước khi lấy nước cho các ao lắng; nên lấy nước khi có độ mặn thích hợp từ 5‰ trở lên và thường xuyên đo đạc môi trường, chuẩn bị ao lắng, ao chứa để sẵn sàng lấy nước. Bên cạnh đó, yếu tố độ trong nước ngoài sông, rạch hầu như rất thấp, nguồn nước khá nhiều phù sa, chất hữu cơ lơ lửng, tiềm ẩn nhiều rủi ro mang mầm bệnh vào ao nuôi, do đó người nuôi cần bố trí ao lắng, ao chứa để lắng lọc, xử lý nước thật kỹ trước khi đưa nước vào ao nuôi thương phẩm…

TÂM ĐỊNH