* Ngày 4/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 75/CĐ-TTg về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới. Theo đó, đối với chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chủ động hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định. Tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động bố trí ngân sách địa phương (bao gồm cả dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định với phương châm tuyệt đối không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác, không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau bão, mưa lũ, ngập lụt, không để ảnh hưởng lớn đến việc học hành của các cháu học sinh.
* Tại Sóc Trăng, trong tuần qua, độ mặn trên các tuyến kênh, sông vẫn tương đương so với tuần trước đó và tại hầu hết các điểm đo đạc thuộc 4 huyện, thị xã: Vĩnh Châu, Trần Đề, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung đều có độ mặn dao động từ 0 - 11‰, nên người nuôi tôm có thể lấy nước vào xử lý để nuôi tôm. Độ mặn cao (>9‰) tại các khu vực như: cầu Trà Niên, ấp Trà Niên; đầu vàm Trà Niên (điểm giao xã Hòa Đông và Vĩnh Hải); cống Sáu Quế 1; cống Xà Mách, thuộc huyện Trần Đề. Một số khu vực có độ mặn thấp (< 3‰) là: kênh Vĩnh Châu - Cổ Cò, phường Khánh Hòa; vàm Trà Nho (xã Vĩnh Hiệp - phường Vĩnh Phước); cống Trà Nõ (xã Vĩnh Tân); kênh Năm Căn - Lai Hòa; cống Nophol, ấp Nophol, xã Vĩnh Tân; bến phà Dù Tho; cầu Hòa Lý - kênh Thạnh Mỹ; bến phà Chàng Ré (xã Thạnh Phú); cầu Treo - điểm giao nhau 3 kênh (Hòa Tú 2 - Hòa Tú 1 và Gia Hòa 1); vàm Ông Tám, xã An Thạnh 3; bến đò Nông trường 30/4, xã An Thạnh Nam. Các khu vực nội đồng có độ mặn 0‰: ở các tuyến sông, rạch thuộc các huyện, thị xã: Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Thạnh Trị, Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng. Tình trạng xâm nhập mặn có xu hướng giảm so với các tháng trước đó; đồng thời, thời tiết xuất hiện mưa nhiều.
TÂM ĐỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin