Thông tin nông nghiệp - ngày 15/9

TÂM ĐỊNH 23:53, 15/09/2024

* Ngày 15/9, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 14 - 17 độ Vĩ Bắc nối với áp thấp nhiệt đới hồi 7 giờ ngày 15/9 có vị trí ở khoảng 16.5 - 17.5 độ Vĩ Bắc, 125.5 - 126.5 độ Kinh Đông; kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh đang gây mưa rào và dông ở khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan. Ngày và đêm 15/9, từ Ninh Thuận đến Cà Mau; phía Nam của khu vực giữa biển Đông, khu vực Nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh; từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động. Ngoài ra, ngày và đêm 15/9, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, vùng biển phía Nam của khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8. Hiện nay, mực nước triều tại khu vực ven biển phía Tây của Nam Bộ đang ở mức cao, cần đề phòng mực nước dâng bất thường gây sạt lở đê biển. Cảnh báo, ngày và đêm 16/9, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Nam của khu vực giữa biển Đông và khu vực Nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, riêng khu vực Nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, sóng biển cao 2 - 4m. Khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động, sóng biển cao từ 1 - 2,5. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động tại các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.

* Hiện nay, tại Sóc Trăng, rầy nâu trên trà lúa Hè - Thu 2023 đang bắt đầu nở, vẫn còn rầy mang trứng (dự báo trong thời gian tới nếu gặp thời tiết thuận lợi, rầy tiếp tục nở, có hiện tượng gối lứa), nông dân cần thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ gốc lúa để phòng trị kịp thời, hạn chế cháy rầy cục bộ; trà lúa Thu - Đông và Mùa đang tập trung giai đoạn mạ đến đòng, cần chú ý các đối tượng có khả năng phát triển và gia tăng diện tích nhiễm như ốc bươu vàng, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy phấn trắng và bệnh đạo ôn lá, nhất là trên các ruộng gieo sạ dày, bón thừa phân đạm và sử dụng giống nhiễm; trên trà lúa Đông - Xuân 2024 - 2025, đối với các diện tích đã xuống giống, cần quản lý tốt dịch hại đầu vụ như ốc bươu vàng, chuột và cỏ dại, đối với các khu vực chuẩn bị xuống giống, cần cần vệ sinh đồng ruộng, làm đất bằng phẳng và phải đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 14 ngày, tuân thủ theo lịch khuyến cáo của địa phương đảm bảo xuống giống né rầy hiệu quả nhằm hạn chế khả năng rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho các trà lúa mới gieo sạ, áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ để hạn chế đổ ngã, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa…

TÂM ĐỊNH