Khởi động Đề án Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao

12:53, 22/05/2024

STO - Ngày 22/5, tại UBND xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tổ chức Lễ khởi động Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại tỉnh Sóc Trăng. Đến dự có các đồng chí: Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lâm Tiến Thạch - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Phú; Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ.

Các công ty, doanh nghiệp ký kết thỏa thuận nguyên tắc hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ lúa với Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi (đơn vị thực hiện thí điểm 50ha lúa trong đề án). Ảnh: THÚY LIỄU

Mục tiêu Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh là đến năm 2025, Sóc Trăng phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh là 38.500ha, có 78 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia; đến năm 2030 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh là 72.000ha, có trên 100 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia. Đề án sẽ được triển khai tại các huyện: Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Trần Đề, thị xã Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng.

Đề án sẽ thực hiện việc quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung, nằm trong vùng quy hoạch đất chuyên trồng lúa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh, đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất ít nhất 2 vụ lúa/năm hoặc có thể sản xuất 2 vụ lúa có xen canh hoặc luân canh rau màu, thủy sản đảm bảo tiêu chí xây dựng vùng lúa chất lượng cao theo đề án. Rà soát, áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững; áp dụng các gói kỹ thuật về canh tác lúa bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu hướng đến thị trường tín chỉ. Ứng dụng các quy trình xử lý rơm rạ, chuyển giao cho hộ nông dân, hợp tác xã. Tổ chức lại sản xuất và đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ trồng lúa, các hợp tác xã, tổ hợp tác. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đề án ký kết hợp đồng liên kết với các hợp tác xã, hộ sản xuất. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, đến thu hoạch và sau thu hoạch…

Theo đó, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long khởi động triển khai thí điểm tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú, với diện tích là 50ha.

THÚY LIỄU