Hội viên phụ nữ thu nhập ổn định từ mô hình nuôi lươn không bùn

05:49, 25/07/2024

STO - Xác định việc hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ tự chủ, phát triển kinh tế là một trong những nội dung trọng tâm của công tác hội, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Theo đó, mô hình Tổ hợp tác Nuôi lươn không bùn do hội thành lập bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Với chi phí thấp, diện tích nuôi ít, mô hình nuôi lươn không bùn đã giúp cho nhiều hội viên phụ nữ ở địa phương có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Hiện Tổ hợp tác Nuôi lươn không bùn có 23 thành viên, tất cả đều là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Hòa.

Là Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi lươn không bùn, chị Lê Thị Ánh Loan (đứng phía trong) thường xuyên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nuôi với các hội viên. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Là một trong những thành viên tiêu biểu của tổ hợp tác, chị Lê Thị Ánh Loan chia sẻ: “Mô hình nuôi lươn không bùn này cũng khá đơn giản, chăm sóc không tốn nhiều thời gian, mỗi ngày tôi chỉ mất khoảng 30 phút/1 lần cho lươn ăn và thay nước (ngày thay nước 3 lần). Nuôi con lươn tôi thấy rất phù hợp với những hộ gia đình có ít đất sản xuất. Cũng nhờ mô hình nuôi lươn này mà kinh tế gia đình tôi ổn định hơn và có thêm thu nhập để chăm lo cho các con”.

Được biết, gia đình chị Loan nuôi lươn không bùn từ đầu năm 2023. Do chưa từng nuôi lươn ngày nào nên thời gian đầu chị khá lo lắng vì chưa rành kỹ thuật chăm sóc. Tuy nhiên, được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Hòa tạo điều kiện cho chị tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lươn nên chị cũng mạnh dạn và tự tin đầu tư 5 bể nuôi.

Trong quá trình nuôi, chị cũng tìm hiểu, nghiên cứu thêm trên internet, bài viết liên quan để tìm ra phương pháp phù hợp nhất. Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước nên bể nuôi phải luôn sạch sẽ. Bên cạnh đó, cần có hệ thống cấp thoát nước nhằm thuận lợi cho việc thay nước mỗi ngày 3 lần. Đặc biệt, trên bề mặt nước phải rải nhiều sợi nilon kết thành chùm để làm giá thể tạo chỗ trú ẩn cho lươn. Như vậy lươn mới sinh trưởng và phát triển một cách khỏe mạnh nhất. Ngoài ra, để lươn khỏe mạnh, phát triển nhanh, người nuôi cần cho ăn đúng thời gian, liều lượng. Sau khi cho ăn phải thay nước, không để thức ăn dư trên bề mặt nước, có như thế mới tránh được các bệnh trên lươn. Nguồn thức ăn chủ yếu của lươn là thức ăn công nghiệp, dạng viên tổng hợp.

Chỉ sau 9 đến 10 tháng nuôi, lươn của gia đình chị Loan phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90%. Mỗi đợt xuất bán từ 700 - 1.000kg lươn thương phẩm, mức giá tùy theo thời vụ dao động khoảng 90.000 - 120.000 đồng/kg, có khi được giá là 150.000 đồng/kg.

Trước đây, gia đình chị Phạm Thị Bảy từng làm qua nhiều mô hình để phát triển kinh tế, nhưng giá cả vật nuôi, cây trái khá bấp bênh, nên sau khi tìm hiểu mô hình muôi lươn không bùn này chị đã đầu tư liền 3 bể nuôi, với diện tích 20m2. Kết quả vượt mong đợi, thành công ngay từ lứa nuôi đầu tiên, mang về thu nhập cả trăm triệu đồng. Theo chị Bảy, nuôi lươn không bùn khá đơn giản, để lươn sinh trưởng, phát triển nhanh, ngoài việc lựa chọn con giống chất lượng thì quan trọng nữa là đảm bảo nguồn nước sạch, vì lươn khá mẫn cảm với môi trường nước nên phải xử lý nguồn nước mỗi ngày.

Đồng chí Nguyễn Vàng Yến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Hòa cho biết: “Tổ hợp tác Nuôi lươn không bùn ấp Hòa Thành là mô hình điểm về nuôi lươn không bùn do hội phụ nữ xã thành lập. Mặc dù đây không phải là mô hình mới nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình có những ưu điểm như nuôi đơn giản, ít tốn diện tích, dễ tiêu thụ. Chính vì vậy, mô hình này rất phù hợp để nhân rộng, giúp nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn xã phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Thời gian tới, hội sẽ tăng cường thêm nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên làm kinh tế, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và kết nối, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ vốn vay…”.

Qua mô hình Tổ hợp tác Nuôi lươn không bùn, không những giúp chị em phụ nữ ở nông thôn có việc làm, nâng cao thu nhập mà còn xây dựng và nhân rộng được mô hình phát triển kinh tế hiệu quả bền vững, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

HUỲNH NHƯ