Giá heo tăng nhưng tăng đàn không nhiều

07:54, 05/08/2024

STO - Trong các tháng giữa năm 2024, giá heo hơi tăng cao nhưng hộ nuôi chỉ phát triển đàn heo với số lượng ít. Nguyên nhân được nông dân chia sẻ là do tác động của thị trường, giá thịt có sự biến động tăng, giảm thất thường theo thời điểm trong năm, cùng với đó là ảnh hưởng từ bệnh dịch tả heo châu Phi nên hộ chăn nuôi ít tăng đàn.

Có nhiều năm chăn nuôi heo, bà Nguyễn Thị Sáu, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chia sẻ: "Tôi nuôi heo tính đến nay đã hơn 30 năm. Nhờ nuôi heo mà đời sống gia đình tôi phát triển từng ngày. Thời điểm nuôi heo thuận lợi, bình quân xuất bán ra thị trường hơn 100 con heo thịt/năm. Trong tháng 4, tháng 5 vừa qua, tuy giá heo hơi tăng cao (lên đến hơn 65.000 đồng/kg), nhưng do bị ảnh hưởng bệnh heo tai xanh, bệnh dịch tả heo châu Phi và giá không ổn định nên tôi quyết định không tăng đàn". 

Bà Nguyễn Thị Lệ, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) chăm sóc đàn heo của gia đình. Ảnh: THÚY LIỄU

Cũng là hộ nuôi heo hơn 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Lệ, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh heo diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi nên tôi chăm sóc đàn heo bằng cách vệ sinh chuồng sạch sẽ, tiêu độc khử trùng theo định kỳ. Hiện tại, tôi nuôi 5 con heo nái sinh sản, xuất bán mỗi năm từ 80 - 100 con heo thịt. Tôi mới vừa xuất bán 40 con, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận hơn 120 triệu đồng. Đến cuối năm sẽ tiếp tục xuất chuồng hơn 40 con nữa. Để giảm rủi ro khi giá heo giảm, tôi duy trì đàn heo nuôi như hiện tại".

Đồng chí Lâm Đăng Vinh - Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm thông tin, tuy nhiều hộ nuôi heo thận trọng trước tình hình dịch bệnh và giá cả, không tăng đàn, nhưng tổng đàn heo trên địa bàn thị xã đến thời điểm hiện tại là 28.518 con, tăng 9,7% so cùng kỳ năm trước. Hình thức chăn nuôi của thị xã theo quy mô hộ gia đình, từ 2 - 20 con/hộ và có khoảng 10 hộ chăn nuôi heo gia trại từ 100 - 200 con/hộ. Để bảo vệ đàn heo nuôi tại hộ, phòng chống tốt các dịch bệnh, đơn vị phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Tổ chức tiêm phòng dịch bệnh đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt 100%; kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở chăn nuôi, giết mổ. Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến các loại dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi có dịch bệnh xảy ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên heo.

“Đàn heo toàn tỉnh gần 200.000 con, tăng hơn 12% so cùng kỳ năm trước. Để bảo vệ đàn heo nuôi phát triển tốt, khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng nuôi. Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Cùng với đó, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, heo chết, không mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…”, đồng chí Đào Văn Bảy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng chia sẻ. 

THÚY LIỄU