Sóc Trăng phát triển chăn nuôi bò bền vững

10:02, 09/08/2024

STO - Tại Sóc Trăng, việc triển khai thực hiện Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã mang đến cơ hội cho nhiều nông dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Không ít hộ khấm khá nhờ sự hỗ trợ từ dự án này.

Anh Lâm Văn Hữu, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) bên đàn bò sữa của gia đình có phần hỗ trợ của Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh. Ảnh: THÚY LIỄU

Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Sóc Trăng giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức thực hiện. Để triển khai thực hiện hiệu quả dự án, ngành Nông nghiệp tỉnh đã luôn bám sát các mục tiêu dự án đã đề ra để phát triển đàn bò cũng như hỗ trợ cho hộ chăn nuôi theo từng giai đoạn phù hợp, kết hợp tuyên truyền đến người dân về mục đích, ý nghĩa của dự án. Trong giai đoạn 2022 - 2025, Ban Quản lý Dự án đã phát 2.000 tài liệu tuyên truyền, thông tin về chính sách hỗ trợ của dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh; phát 2.100 bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Cùng với đó, Ban Quản lý Dự án đã tiến hành hỗ trợ 5.504 liều tinh bò gieo cho 2.752 con bò thịt, với các giống Red Brahman, Red Sindhi; hỗ trợ 620 con bò cái hậu bị lai Red Brahman, Red Sindhi cho 237 hộ chăn nuôi, nhằm rút ngắn thời gian Zebu hóa đàn bò địa phương. Hỗ trợ 27.676 liều tinh bò thịt cao sản gieo cho 13.838 con bò thịt tại các địa phương; hỗ trợ hạt cỏ sả cho các địa phương đã trồng được 2.000ha, góp phần cung cấp 60% lượng thức ăn thô xanh cho đàn bò; xây dựng 50 mô hình dự trữ, chế biến sử dụng nguồn phụ phế phẩm. Hỗ trợ 10 cái máy băm thái cỏ và 40 máy cắt cỏ cầm tay cho hộ chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trần Văn Đóm - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh cho biết, dự án này triển khai hỗ trợ cho hộ dân chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2025, Ban Quản lý Dự án đã xây dựng 10 mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng VietGAHP quy mô từ 5 con bò cái sinh sản trở lên, có đủ điều kiện nuôi theo hướng VietGAHP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; xây dựng 170 mô hình xử lý chất thải; hỗ trợ kinh phí duy trì phát triển 29 tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi bò; hỗ trợ vỗ béo 200 con bò thịt (cho 60 hộ) nhằm tăng trọng lượng, chất lượng bò thịt, giúp hộ chăn nuôi tăng thêm thu nhập. Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cho hộ chăn nuôi, với 1.360 lượt người dự. Đối với công tác cải thiện, nâng cao chất lượng giống bò sữa, Ban Quản lý Dự án đã hỗ trợ 6.274 liều tinh cho đàn bò sữa tại các địa phương; hỗ trợ 63 con bò sữa hậu bị cái. Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho hộ nuôi, với 540 lượt người dự. Hỗ trợ 20 máy cắt cỏ cầm tay và 10 mô hình hố chứa phân bò cho hộ nuôi bò; xây dựng 20 mô hình dự trữ, chế biến sử dụng nguồn phế phụ phẩm; xây dựng 3 mô hình nhà chứa rơm phục vụ cho dự trữ thức ăn cho đàn bò…

Anh Lâm Văn Hữu, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên bộc bạch: “Tôi rất phấn khởi khi được sự đồng hành từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh, được hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng nuôi; mua con giống bò sữa F1; máy vắt sữa và xây dựng hố chứa phân bò. Cùng với đó, tôi còn được hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi đàn bò sữa. Hiện tại, đàn bò có 17 con, dự tính đến cuối năm 2024, đàn bò sẽ cho sữa bò tươi mỗi ngày. Nhờ có dự án hỗ trợ, tôi đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi đàn bò sữa, bởi đã nắm bắt đầy đủ các kiến thức chăn nuôi bò từ cán bộ kỹ thuật chuyển giao”.

“Theo mục tiêu dự án, đến năm 2025, số lượng đàn bò thịt hiện có 48.850 con sẽ nâng lên 77.000 con và đàn bò sữa 6.750 lên 11.000 con. Ban Quản lý Dự án sẽ tiếp tục cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng giống bò thịt, bò sữa bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo từ nguồn tinh bò nhập ngoại. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ 4 - 5 con/hộ lên 5 - 6 con/hộ, khuyến khích phát triển chăn nuôi bò theo hướng gia trại, trang trại. Nâng cao chất lượng nguồn thức ăn thô xanh, tận dụng tốt nguồn phụ phế phẩm công, nông nghiệp và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa trong chăn nuôi. Nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò hiệu quả, an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh…”, đồng chí Trương Văn Đúng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Giám đốc Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh chia sẻ.

THÚY LIỄU