Sóc Trăng tập trung phát triển nông nghiệp bền vững

THÚY LIỄU 07:10, 06/09/2024

STO - Nông nghiệp được xem là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thực hiện hàng loạt các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là đã tạo ra các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có sản lượng lớn, chất lượng cao được các công ty, doanh nghiệp hợp đồng liên kết bao tiêu đầu ra sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

PHÁT TRIỂN TRỒNG TRỌT, CHĂN NUÔI

Cây lúa được xem là cây trồng chính của tỉnh, do đó ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung nhiều cho việc phát triển các giống lúa chất lượng cao, lúa cao sản, đặc sản để nâng giá trị lúa sau thu hoạch. Đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng chia sẻ, đến nay toàn tỉnh đã hình thành được một số khu vực sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, với diện tích hơn 16.000ha. Tính từ đầu năm 2024, diện tích lúa của tỉnh đã xuống giống 331.720ha, đạt 104%, tăng 2% so cùng kỳ, đã thu hoạch hơn 192.295ha, sản lượng 1,33 triệu tấn, tăng hơn 7% so cùng kỳ, trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm gần 95%, với các giống lúa được gieo trồng chủ yếu như: ST, Tài nguyên, Đài thơm 8...

Cũng theo đồng chí Trần Tấn Phương, để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo, tạo liên kết chuỗi bền vững cho sản phẩm lúa gạo của tỉnh nhà, phục vụ thị trường xuất khẩu nhiều hơn nữa, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đăng ký tham gia Đề án Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, với diện tích thực hiện trong đề án đến năm 2030 của tỉnh là 72.000ha. Hiện tại, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa tham gia trong đề án 50ha tại xã Long Đức, huyện Long Phú; lúa đang phát triển rất tốt và chuẩn bị cho thu hoạch.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm đến việc phát triển các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo. Ảnh: THÚY LIỄU
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm đến việc phát triển các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo. Ảnh: THÚY LIỄU

Bên cạnh cây lúa, con tôm nuôi nước lợ cũng là thế mạnh của tỉnh. Để có mùa vụ nuôi tôm thành công, hộ nuôi đã áp dụng nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả được ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai như: nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm sú lót bạt bờ có hố xi phông xử lý chất thải, nuôi tôm tuần hoàn khép kín, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, diện tích nuôi tôm lót bạt trên địa bàn tỉnh đến nay là 4.872ha. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cấp 4.065 hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Từ đầu năm 2024 đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh hơn 41.369ha, trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 32.152ha, tôm sú hơn 9.216ha, đạt hơn 81% kế hoạch. Diện tích tôm nuôi đã thu hoạch 21.279ha, sản lượng hơn 109.535tấn.

Đồng hành với cây lúa, con tôm thì cây ăn trái cũng là kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cho biết: “Diện tích cây ăn trái của tỉnh ta gần 29.000ha, với các cây trồng chính là xoài, vú sữa, nhãn, bưởi, sầu riêng... Để sản phẩm cây ăn trái đặc sản xuất khẩu thuận lợi vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, NewZealand, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng được 106 mã vùng trồng trên các loại cây ăn trái đặc sản nêu trên, diện tích hơn 604ha và cấp 2 mã vùng trồng nội địa gần 44ha trên cây quýt, dứa. Tỉnh đã liên kết tiêu thụ hơn 894 tấn trái cây, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ hơn 200 tấn vú sữa, bưởi. Để cây ăn trái duy trì và phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển cây ăn trái đặc sản trong nhiều năm qua; hỗ trợ các địa phương quy hoạch vùng trồng cây ăn trái tập trung; hướng dẫn chuyển giao các kỹ thuật canh tác cây ăn trái theo hướng hữu cơ; quy trình VietGAP; GlobalGAP...”.

GIẢI PHÁP BỀN VỮNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh là duy trì sản lượng lúa đạt 2,13 triệu tấn, trong đó lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm hơn 93%; phát triển diện tích cây ăn trái hơn 29.000ha; sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt trên 212.000 tấn/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 233 triệu đồng/ha/năm. Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục bố trí lại cơ cấu mùa vụ sản xuất phù hợp với lợi thế của từng vùng, giảm canh tác 3 vụ lúa/năm ở những vùng có điều kiện khó khăn, khuyến khích canh tác 2 vụ lúa/năm. Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát các vùng trồng cây ăn trái được cấp mã số để đảm bảo luôn duy trì hoạt động đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc… Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ sản xuất theo hướng giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn chất lượng, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, truy xuất nguồn gốc.

Thực hiện tốt Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản, Dự án Nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả các đề án: Đề án Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại tỉnh Sóc Trăng; Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ, tăng cường chủ động trong công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung nhằm kịp thời đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo cho hộ nuôi tôm, nhằm giúp hộ nuôi hạn chế thấp nhất thiệt hại. Phối hợp cùng các địa phương nhân rộng các mô hình hiệu quả, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là chất lượng tôm giống.

Tin rằng, với những hoạt động cùng hoạch định đã nêu, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ triển khai thực hiện đạt được những kết quả tích cực.

THÚY LIỄU