Với niềm đam mê ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nuôi thủy sản, anh Đức Thành đã mạnh dạn chi hơn 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà nuôi cua trên cạn bằng hệ thống tuần hoàn nước. Ban đầu anh Thành nuôi thử nghiệm 50 con cua có kích cỡ khác nhau trong hộp nhựa để có thành phẩm là cua lột, cua thịt, cua gạch, cua cốm. Qua 1 năm nuôi thử nghiệm, anh Thành nhận thấy tỷ lệ cua giống nuôi sẽ đạt 100% số lượng cua sau thu hoạch, đặc biệt chất lượng cua rất ngon nên thị trường ưa chuộng. Có được kinh nghiệm thực tế sau thời gian nuôi thử nghiệm, kết hợp thêm việc học hỏi thông tin trên internet, anh Thành bắt đầu nuôi số lượng lớn.
Trong nhà nuôi cua được anh Thành thiết kế thoáng mát, có lắp đặt hệ thống lọc nước tuần hoàn dẫn nước liên tục 24/24 giờ. Mỗi con cua nuôi trong chiếc hộp riêng, kích cỡ hộp 30cm x 40cm, đặt san sát nhau thành một hàng dài và trên dưới nối tiếp nhau, thẳng hàng, nhằm thuận tiện cho hệ thống nước truyền dẫn đến từng hộp cua, tạo môi trường giống như ngoài tự nhiên cho cua sinh trưởng tốt.
Anh Trương Đức Thành (người đứng đầu tiên), Phường 8, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) giới thiệu mô hình nuôi cua trong hộp nhựa. Ảnh: THÚY LIỄU |
Anh Đức Thành chia sẻ: "Do nguồn nước mặn dùng nuôi cua biển không có nên tôi phải sử dụng nước ngọt. Vì vậy, trước khi bắt đầu nuôi cua trong hệ thống tuần hoàn, khâu quan trọng nhất là phải xử lý nước ngọt thành nước mặn. Hệ thống nuôi cua tuần hoàn có tổng số 2.400 hộp, đang vận hành nuôi 800 hộp. Với số lượng cua nuôi trong hộp như trên, tôi đã xuất bán được 2 đợt cua và tỷ lệ cua sau thu hoạch đạt gần 100%. Hiện tại, số cua nuôi trong 800 hộp đã được 2 tháng tuổi, đang bước vào giai đoạn thu hoạch, với các loại cua đang xuất bán là cua lột, cua thịt, cua gạch, cua cốm. Toàn bộ số cua sau thu hoạch được bán cho các nhà hàng, quán ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh và theo đơn đặt hàng của các quán ăn trên địa bàn thành phố Sóc Trăng".
Qua thời gian nuôi cua biển hộp nhựa trong nhà, theo công nghệ xử lý nước tuần hoàn, anh Đức Thành nhận thấy, để nuôi cua sinh trưởng tốt thì vấn đề cần lưu ý là phải đảm bảo độ mặn trong nước nuôi cua luôn ổn định; nguồn nước trong hệ thống nước và lượng oxy phải truyền dẫn đến các hộp nhựa nuôi cua liên tục 24/24 giờ. Đặc biệt, khâu quan trọng nhất quyết định sự thành công của đợt nuôi cua là phải giữ nước gần giống như nguồn nước trong tự nhiên và quan sát cua thích nghi trong môi trường nước khoảng 2 - 4 giờ thả nuôi trong hộp nhựa. Sau 2 - 4 giờ, nếu cua thích nghi tốt với nguồn nước, thì việc chăm sóc cua dễ dàng không khác gì nuôi ngoài tự nhiên. Cho cua ăn 2 lần/ngày, thức ăn là các loại cá, vẹm nguyên con. Đối với nuôi cua thịt, cua gạch thì chọn thời điểm cua đạt chất lượng thịt và gạch tốt nhất mới thu hoạch. Riêng nuôi cua lột, phải canh liên tục thời điểm cua lột để sơ chế, hút chân không và trữ đông, nhằm tạo độ tươi ngon nhất của cua lột khi đưa đến tay người tiêu dùng.
Đồng chí Võ Văn Bé - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng đánh giá, mô hình nuôi cua biển hộp nhựa trong nhà theo công nghệ xử lý nước tuần hoàn của anh Trương Đức Thành được xem là một trong những mô hình nuôi cua hiệu quả, bởi với diện tích nhà nuôi cua 200m2, anh Đức Thành thiết kế hệ thống nuôi cua 2.400 hộp. Ưu điểm nổi bật của mô hình này là không cần nhiều lượng nước đầu vào, nhờ nguyên lý tuần hoàn. Cụ thể, thức ăn thừa của cua được lọc thô còn chất cặn bẩn thải ra trong quá trình nuôi cua được đưa vào trong môi trường yếm khí để phân hủy. Chất thải sau đó qua màng lọc được bổ sung thêm chất khoáng cần thiết và tiếp tục đưa lên hệ thống. Nhờ vậy, nguồn nước trong mô hình được tái sử dụng gần 100%. Mô hình này rất phù hợp với người dân có diện tích đất nhỏ, khu vực đô thị. Đầu ra của cua cũng rất tốt, đem về lợi nhuận cao cho hộ nuôi. Hướng tới, đơn vị sẽ nhân rộng mô hình nuôi cua của anh Đức Thành đến hộ dân trên địa bàn tỉnh.
THÚY LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin