Phân bón hữu cơ tạo nên sản phẩm nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm

THÚY LIỄU 06:00, 02/11/2024

STO - Để các loại nông sản đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo sản lượng sau thu hoạch, ngoài việc lựa chọn cây trồng, quy trình kỹ thuật canh tác tốt, trong quá trình sinh trưởng, cây không thể thiếu phân hữu cơ. Tuy nhiên, với đa dạng các loại phân bón hữu cơ trên thị trường, nhiều nông dân của tỉnh Sóc Trăng đã chọn phân hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm vì năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản tốt. Năm 2022, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký kết hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm.   

Năm 2019, Tập đoàn Quế Lâm phối hợp ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng và các địa phương Long Phú, Trần Đề, Kế Sách và thị xã Ngã Năm… triển khai thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ trên các loại cây trồng như: bưởi da xanh, hành tím, lúa ST24, ST25, dưa hấu. Diện tích các mô hình lên đến hàng chục hécta. Hiện nay, diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ hơn 48.000ha.

Ông Triệu Văn Út, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết: “Nhiều năm trồng dưa hấu, tôi chỉ trồng theo cách truyền thống là sử dụng hoàn toàn phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, làm đất bạc màu, năng suất dưa và chất lượng không được tốt. Năm 2019, tôi được Tập đoàn Quế Lâm chọn làm mô hình thí điểm trồng dưa hấu hữu cơ, với diện tích 1.000m2. Tất cả phân bón, thuốc sinh học dùng cho dưa đều được Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ 100%. Trong mùa vụ đó, tôi thu hoạch dưa hấu đạt năng suất gần 6 tấn. Hiện tôi canh tác dưa hữu cơ 6.000m2. Dưa hấu trồng được tới 3 vụ/năm lận”.

Ông Triệu Văn Út, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ canh tác dưa hấu hữu cơ. Ảnh: THÚY LIỄU
Ông Triệu Văn Út, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ canh tác dưa hấu hữu cơ. Ảnh: THÚY LIỄU

Cũng theo ông Út, dưa hấu từ lúc xuống giống đến thu hoạch từ 58 - 60 ngày. Để đảm bảo lượng dưa cung cấp đều đặn cho Tập đoàn Quế Lâm cung ứng ra thị trường, ông canh từng thời điểm để xuống giống dưa thu hoạch kéo dài trong suốt 1 tháng. Dưa hấu sau thu hoạch được Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu, giá mua cao hơn so với dưa bên ngoài từ 15 - 20%. Diện tích trồng dưa hấu 6.000m2, sản lượng thu về hơn 27 tấn/3 vụ/năm, trừ chi phí lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

“Qua 3 mùa vụ được Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ canh tác lúa ST25 theo hướng hữu cơ đã đem lại nguồn thu nhập tăng đáng kể cho gia đình tôi. Lúa được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường từ 500 - 1.000 đồng/kg. Tôi nhận thấy, canh tác lúa theo hướng hữu cơ đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, kể cả người tiêu dùng. Từ ngày chuyển canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa theo hướng hữu cơ, góp phần giảm đáng kể chi phí đầu tư mùa vụ khoảng 5 - 8 triệu đồng/ha. Tôi canh tác 1,6ha lúa, giống lúa ST25 theo hướng hữu cơ, sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ và thuốc sinh học của Tập đoàn Quế Lâm, năng suất lúa bình quân sau thu hoạch từ 5,5 - 7 tấn/ha, lợi nhuận thu về hơn 160 triệu đồng/1,6ha/2 vụ/năm. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục mở rộng hết diện tích đất 3ha của gia đình canh tác lúa theo hướng hữu cơ để liên kết tiêu thụ lúa với Tập đoàn Quế Lâm”, ông Thạch Phước Thân, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chia sẻ.

Tại buổi lễ ký kết hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ giữa UBND tỉnh Sóc Trăng với Tập đoàn Quế Lâm, đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, việc ký kết hợp tác giữa Tập đoàn Quế Lâm và UBND tỉnh Sóc Trăng là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh, là bước tiến quan trọng để sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh vươn xa hơn ra thị trường quốc tế. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, về định hướng sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, sản xuất theo xu hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản phù hợp với lợi thế vùng, tiến đến xây dựng thương hiệu và đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Với phương châm trồng trọt phải gắn với chăn nuôi để tạo nên chuỗi kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, Tập đoàn Quế Lâm khẳng định sẵn sàng cùng với các địa phương để rút ngắn chặng đường chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, bền vững như chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ đề ra, tại Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/1/2022”, ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ.

THÚY LIỄU