Cơ giới hóa thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

THÚY LIỄU 05:35, 10/12/2024

STO - Những năm qua, cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, ổn định cho ngành Nông nghiệp. Tại tỉnh Sóc Trăng, nhờ thực hiện tốt công tác phát triển cơ giới hóa nên số lượng máy phục vụ nông nghiệp ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 650 máy gặt đập liên hợp và diện tích thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt hơn 98% diện tích lúa của toàn tỉnh.

Việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm thiểu lao động thủ công, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cơ giới hóa đồng bộ còn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, giảm thiểu chất thải, tạo ra giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp, góp phần giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là khi áp dụng đồng bộ cơ giới hóa sẽ giúp giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng giá trị kinh tế cho nông dân canh tác lúa.

Nhận thấy cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân, trong giai đoạn năm 2011 - 2015, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND, ngày 9/12/2011 và Nghị quyết số 21/2013/NQ-HĐND, ngày 10/12/2013 về việc hỗ trợ lãi suất mua máy gặt đập liên hợp thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2011 - 2015. Sau giai đoạn trên, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có 650 máy gặt đập liên hợp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thu hoạch lúa của nông dân. Ảnh: THÚY LIỄU

Ngoài thụ hưởng các chính sách hỗ trợ nông dân địa phương mua máy gặt đập liên hợp thì không ít nông dân cũng đã tự đầu tư các loại trang thiết bị phục vụ đồng ruộng tại hộ và đưa máy móc làm các dịch vụ cho hộ dân trong và ngoài địa phương. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có tổng số 141 máy bay không người lái (đây là thiết bị dùng để gieo sạ lúa, phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân trên ruộng lúa, kể cả các vườn cây ăn trái, rau màu); có 650 máy gặt đập liên hợp để gặt lúa cho toàn bộ diện tích hơn 330.380ha lúa kế hoạch sản xuất hằng năm của toàn tỉnh; có 136 máy cuộn rơm và số rơm cuộn sẽ được dùng làm thức ăn cho trâu bò, trồng nấm, ủ gốc cây trồng...; có 41 máy cấy thực hiện các công đoạn cấy lúa tại các cánh đồng lúa lớn. Ngoài số máy trên còn có hàng trăm chiếc máy cày lớn, máy cày nhỏ, đạt 100% số máy cày phục vụ làm đất cho nông dân trước khi gieo sạ.

Thấy tiện ích máy bay không người lái, ông Hồ Thanh Liêm, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã mua chiếc máy bay không người lái “3 trong 1”, bao gồm: gieo sạ, phun thuốc, bón phân. Sử dụng máy móc này góp phần giảm lượng giống gieo sạ trên đồng ruộng từ 20 - 30kg/ha; giảm tiền phun thuốc 70.000 đồng/ha trong 1 lần phun thuốc; giảm tiền bón phân 80.000 đồng/ha trong 1 lần bón. Máy làm việc rất nhanh, trong vòng 10 phút đã phun thuốc xong 1ha lúa, việc này giúp lúa hấp thu nhanh lượng thuốc đã phun xịt. Cùng với đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật dùng phun bằng máy giảm 50% so với phun thuốc bằng thủ công là dùng sức người.

Ông Hồ Thanh Liêm, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết, sử dụng máy bay không người lái trong phun thuốc, bón phân, gieo sạ lúa, giảm chi phí sản xuất mùa vụ, tăng lợi nhuận sau thu hoạch lúa. Ảnh: THÚY LIỄU

Đồng chí Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, cơ giới hóa không chỉ giảm công lao động mà còn nâng cao chất lượng nông sản và tăng hiệu quả sản xuất. Cơ giới hóa được xem là giải pháp hữu hiệu nhất ngay từ khâu làm đất, gieo sạ để giảm giống. Vì vậy, để đồng bộ cơ giới hóa đồng ruộng cần có sự liên kết giữa hợp tác xã làm dịch vụ nông nghiệp, doanh nghiệp có máy móc trang thiết bị và hộ cá nhân có máy móc làm dịch vụ lại với nhau thành mô hình thống nhất. Bởi không có hợp tác xã, doanh nghiệp hay hộ cung cấp dịch vụ nào có thể đáp ứng tất cả các dịch vụ cơ giới hóa đồng ruộng. Do đó, việc liên kết thực hiện dịch vụ đồng ruộng giữa các bên liên quan sẽ nâng cao hiệu quả phục vụ nhu cầu cơ giới hóa và mở rộng diện tích cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trên toàn quốc. Bên cạnh đó, để đưa công nghệ và máy móc hiện đại vào đồng ruộng thì các doanh nghiệp có các công nghệ và máy móc nên thực hiện việc trình diễn thực tế trên đồng ruộng để giới thiệu sản phẩm cho người dân có thông tin đa chiều khi lựa chọn công nghệ, máy móc trước khi đầu tư để đưa vào đồng ruộng.

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện nay, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân. Hầu hết các vùng sản xuất lúa tập trung đều hình thành các tổ, nhóm dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân như: bơm nước, làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản.

Đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết:

Để triển khai phát triển đồng bộ, hiệu quả cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đơn vị sẽ tăng cường công tác kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã trong lĩnh vực cơ giới hóa. Đưa những tiến bộ về cơ giới trong sản xuất ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt là các loại máy móc chi phí thấp, dễ vận hành như: máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy phun hạt giống, máy phun phân. Tăng cường mời gọi các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng liên quan đưa các trang thiết bị máy móc hiện đại vào các cánh đồng sản xuất nông nghiệp; doanh nghiệp có máy móc phục vụ đồng ruộng triển khai xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng ruộng để nhân rộng ở địa phương.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng sẽ triển khai những giải pháp cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đến nông dân trên toàn tỉnh. Chuyển giao và hướng dẫn người dân sử dụng các loại máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu chế biến và sản xuất nông nghiệp....

THÚY LIỄU