Sóc Trăng có tổng sản lượng thủy sản nuôi ước đạt 310.000 tấn

THÚY LIỄU 17:19, 25/12/2024

STO - Chiều ngày 25/12, tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh (thành phố Sóc Trăng), Chi cục Thủy sản Sóc Trăng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động chuyên ngành nuôi trồng thủy sản năm 2024 và triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2025. Đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến dự.

Thông tin tại hội nghị, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng chia sẻ, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 là 74.000ha, đạt 100% so với kế hoạch, trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ 50.820ha, đạt 100% kế hoạch; cá nước ngọt, lợ 9.180ha; thủy sản khác 4.000ha. Ước sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 310.000 tấn, đạt 100% kế hoạch, trong đó sản lượng tôm nuôi nước lợ 212.000 tấn, cá nước ngọt hơn 94.400 tấn và thủy sản khác 3.550 tấn. Giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu 123.000 đồng/kg (50 con/kg), cao hơn 15.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước; tôm 20 - 30 con/kg, có giá cao hơn 31.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước; tôm 40 - 80 con/kg, giá cao hơn 17.800 đồng/kg so cùng kỳ năm trước…

Đơn vị đã xây dựng 20 mô hình nuôi tôm đạt tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức 4 lớp tập huấn chuyên sâu cho các hộ nuôi thủy sản về nhận diện, xử lý các mối nguy hại mất an toàn thực phẩm; thực hiện 4 cuộc hội thảo đầu bờ nhân rộng mô hình VietGAP... Tổ chức nhiều cuộc kiểm soát tạp chất trong tôm thương phẩm, tại cơ sở nuôi thủy sản; hướng dẫn 22 cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường; kiểm tra đủ điều kiện nuôi tại 31 cơ sở. Tiến hành lấy hơn 4.000 mẫu nước đo các chỉ tiêu về pH, nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, độ trong và oxy để kịp thời khuyến cáo đến hộ nuôi tôm về thời điểm lấy nước vào ao nuôi…

Đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng phát biểu định hướng. Ảnh: THÚY LIỄU

Để mùa vụ nuôi trồng thủy sản trong năm 2025 thành công hơn nữa, đồng chí Quách Thị Thanh Bình nêu một số giải pháp. Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra vùng nuôi tôm; tranh thủ các nguồn vốn ngân sách tỉnh, địa phương, các dự án tài trợ nhằm đầu tư nạo vét kênh mương và các công trình thủy lợi phục vụ quy hoạch nuôi tôm hướng đến bền vững. Rà soát cập nhật bổ sung các khu vực sông, kênh, rạch đầu nguồn cần thiết mang tính chiến lược đưa vào hệ thống cần quan trắc để phục vụ vùng nuôi thủy sản. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện quan trắc môi trường và các hợp tác xã về ứng dụng công nghệ thông tin trong cập nhật môi trường, dịch bệnh trên không gian mạng. Tổ chức các đợt kiểm tra việc tuân thủ quản lý môi trường nước, xả thải ra sông rạch, đặc biệt là các khu vực nuôi tôm công nghệ cao để tránh tình trạng nuôi tự phát và không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường do xả thải không đúng quy định…

THÚY LIỄU