Từ năm 2021 đến nay, thi hành án dân sự hai cấp đã áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên 517 trường hợp. Công tác cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người trúng đấu giá, người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp, Cục Thi hành án dân sự đã chủ trì tổ chức nhiều cuộc họp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sóc Trăng để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng vụ việc. Cụ thể, liên ngành đã tổ chức 15 cuộc họp và đã kiến nghị giải quyết 36 vụ việc khó khăn. Thông qua các cuộc họp liên ngành, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sóc Trăng đã trao đổi và đi đến thống nhất quan điểm trong việc hướng dẫn xử lý một số trường hợp cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất; giao quyền sử dụng đất theo nội dung bản án của toà án đã tuyên. Từ đó, triển khai cho hai cấp áp dụng thực hiện mang lại hiệu quả, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: SỚM MAI |
Đồng chí Nguyễn Thanh Khoa đề nghị, Cục Thi hành án dân sự tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chấp hành viên hai cấp thực hiện nghiêm các quy định về công tác cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động, quan tâm hơn nữa công tác hướng dẫn nghiệp vụ, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về công tác cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất và tổ chức các cuộc họp sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, tổ chức để tổ chức thi hành án bảo đảm theo quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm túc các quy chế phối hợp.
Cơ quan thi hành án dân sự cần chủ động, kịp thời trao đổi những vấn đề khó khăn, vướng mắc, nhất là các vụ việc phức tạp, gây ảnh hưởng an ninh, trật tự để các cơ quan phối hợp cùng trao đổi, thống nhất hướng xử lý. Phát huy vai trò của ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp để chỉ đạo điều hành hoạt động phối hợp thi hành án dân sự; tích cực tham mưu, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các cá nhân, tổ chức thực hiện không đúng việc phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, hành chính. Đặc biệt, đội ngũ chấp hành viên cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hạn chế và thường xuyên trau dồi nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật…
SỚM MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin