Giám định, định giá tài sản “chuẩn”, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết án kinh tế, tham nhũng, tiêu cực

SỚM MAI 05:11, 26/09/2024

STO - Công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đây chính là thước đo trách nhiệm và “chất xúc tác mạnh” để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giám định, định giá tài sản, nhất là các thông báo, kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Cụ thể, Thông báo số 564-TB/TU, ngày 14/7/2022 về kết luận kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế, tiêu cực; Công văn số 1092-CV/TU, ngày 9/3/2023 về thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Phiên họp thứ 23; Công văn số 1649-CV/BTVTU, ngày 23/1/2024 thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo… Qua đó, đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định, định giá tài sản trong vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc về tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo đã được đẩy nhanh, khẩn trương thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Trong đó có vai trò rất lớn của công tác giám định, định giá tài sản. Thực tế cho thấy, để phục vụ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, phần lớn phải thực hiện giám định, định giá tài sản. Bởi đây là một căn cứ quan trọng để xác định đúng giá trị tài sản bị xâm phạm, thiệt hại; hành vi có phạm tội hay không, cũng như việc áp dụng khung hình phạt, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Có như vậy, việc giải quyết vụ án, vụ việc mới khách quan, chính xác, kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thu hồi ở mức cao nhất tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Ngược lại, nếu công tác giám định, định giá tài sản bị vướng mắc, chậm trễ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Nếu vụ án, vụ việc hết thời hạn điều tra nhưng chưa có kết quả giám định, định giá phải tạm đình chỉ xác minh vụ việc, tạm đình chỉ điều tra vụ án. Thậm chí, nếu giám định, định giá không đúng, sẽ có nguy cơ dẫn đến oan sai, ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị, quyền công dân, tính công minh của các cơ quan tham gia tố tụng và niềm tin của nhân dân trong hoạt động tố tụng, công tác phòng, chống tham nhũng.

Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng thường tổ chức họp và nghe báo cáo liên quan đến công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự để có sự chỉ đạo, phối hợp, tháo gỡ kịp thời. Ảnh: SỚM MAI
Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng thường tổ chức họp và nghe báo cáo liên quan đến công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự để có sự chỉ đạo, phối hợp, tháo gỡ kịp thời. Ảnh: SỚM MAI

Từ năm 2022 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 1.357 kết luận trưng cầu giám định lần đầu đúng hạn; 19 trường hợp từ chối trưng cầu giám định (do không phù hợp với phạm vi chuyên môn của giám định viên; đối tượng giám định không đủ cơ sở; mẫu giám định là bản photocoppy; mẫu so sánh không đạt…).

 Đối với yêu cầu định giá lần đầu, đã ban hành kết luận 1.535 yêu cầu; trong đó, đúng hạn 1.400 yêu cầu, quá hạn 135 yêu cầu với lý do tài sản trưng cầu định giá tại thời điểm hồi tố về trước rất lâu vượt quá chuyên môn của hội đồng. Khi đó, hội đồng phải thuê đơn vị tư vấn để thực hiện, không chủ động được thời gian định giá. Các cơ quan chuyên môn đã từ chối 58 yêu cầu định giá và từ chối một phần 45 yêu cầu định giá. Lý do từ chối là yêu cầu định giá vượt cấp, yêu cầu định giá không rõ thông tin, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tài sản định giá không có các thông số kỹ thuật…

Trên cơ sở quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, quy chế phối hợp của liên ngành tư pháp tỉnh và công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Sóc Trăng về tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp, công tác này ngày càng được thực hiện chặt chẽ. Các giám định viên, hội đồng định giá tài sản với các cơ quan tiến hành tố tụng đã quan tâm thực hiện tốt từ khâu tiếp nhận, giải quyết. Các giám định viên khi thực hiện nhiệm vụ có yêu cầu phối hợp, được các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời hỗ trợ và tích cực hợp tác.

Đoàn giám sát của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Sóc Trăng có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Sóc Trăng để giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Ảnh: SỚM MAI
Đoàn giám sát của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Sóc Trăng có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Sóc Trăng để giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Ảnh: SỚM MAI

Tuy nhiên, công tác này gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải được tháo gỡ. Với vai trò thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đồng chí Phan Văn Tùng - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về an ninh, kinh tế, ma túy, tham nhũng và chức vụ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã từng cho biết, tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã quy định rõ những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết các vụ, việc về tham nhũng, kinh tế nhưng một số đơn vị có quan điểm nhận thức, áp dụng quy định của thông tư chưa thống nhất. Đội ngũ giám định viên trong tỉnh một số ít chưa đáp ứng theo quy định của Thông tư số 01; giữa các cơ quan tố tụng đôi lúc còn phát sinh quan điểm khác nhau trong xử lý vụ việc; các quy định pháp luật chuyên ngành còn chồng chéo, bất cập. Thực tế, việc phân định trách nhiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thực hiện giám định, định giá tài sản vẫn còn những vướng mắc, nhất là cơ chế kiểm tra, xác định, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng trong quá trình trưng cầu, tiếp nhận trưng cầu, tổ chức thực hiện giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định giải quyết các vụ, việc.

Ngoài ra, một số cấp ủy chưa quan tâm đến công tác này nên chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giữa các cơ quan chuyên môn. Chất lượng kết quả giám định, định giá còn hạn chế, chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án… Trước tình hình trên, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động giám định, định giá tài sản phục vụ tốt cho công tác giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, nhất là vụ án, vụ việc do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Tuyệt đối không để xảy ra những trường hợp cố ý làm sai lệch, không đúng tính chất, mức độ kết quả giám định, định giá làm ảnh hưởng đến tính chính xác trong giải quyết các vụ án, vụ việc. Các cơ quan chức năng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác phối hợp. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan có liên quan rà soát, đánh giá năng lực, khả năng đáp ứng nhu cầu thực hiện công tác giám định, định giá tài sản; khắc phục tình trạng ra kết luận chung chung, không rõ ràng, không đúng yêu cầu của cơ quan tố tụng; quan tâm tạo điều kiện (vật chất, trang thiết bị, phương tiện…) đối với công tác này. Các cơ quan tiến hành tố tụng khi ban hành quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản thì nội dung văn bản cũng phải đảm bảo rõ ràng, cụ thể…

Trước sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự nghiêm túc thực hiện của các cơ quan có liên quan sẽ khắc phục được những hạn chế, thiếu sót và nâng cao chất lượng công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Từ đó, phục vụ đắc lực cho công tác giải quyết án, góp phần có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

SỚM MAI