Hướng tới sự “an toàn” xã hội - từ cách tuyên truyền lưu động của tòa án

SỚM MAI 05:58, 23/09/2024

STO - Xét xử lưu động là hoạt động tuyên truyền pháp luật mang tính đặc thù của tòa án, thông qua một hành vi phạm tội cụ thể nhằm trấn áp, răn đe tội phạm. Quan trọng hơn, đằng sau các phiên tòa lưu động còn ẩn chứa những bài học kinh nghiệm về ý thức, trách nhiệm và giá trị cuộc sống trong mỗi con người.

Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, tòa án đã đưa một số vụ án điểm để xét xử lưu động tại địa bàn nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi xảy ra tranh chấp nhằm mang tính chất tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Từ đầu năm 2024 đến nay, tòa án nhân dân hai cấp Sóc Trăng đã tổ chức xét xử 24 phiên tòa lưu động. Để đảm bảo đạt được hiệu quả, mục đích của phiên tòa lưu động, tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan từ khâu lựa chọn vụ án đến địa điểm mở phiên tòa, thẩm phán chủ tọa phiên tòa, kiểm sát viên thực hành quyền công tố, bố trí lực lượng bảo vệ trước, trong và sau phiên tòa xét xử lưu động...

Thực tế, phần lớn các phiên tòa xét xử lưu động, người dân dự khán khá đông. Đó không chỉ là người thân của gia đình bị hại, bị cáo mà còn có những người hàng xóm, người dân trong và ngoài địa phương. Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở 3 phiên tòa phúc thẩm hình sự xét xử lưu động tại Nhà Văn hóa xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) để xét xử công khai liên quan đến tội cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn. Đáng nói, 3 vụ án có một điểm chung, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn chỉ là những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Khi đó, các bên chọn cách xử lý, giải quyết không phù hợp, khiến mình phải trở thành tội phạm là điều rất đáng tiếc.

Phiên tòa đã kết thúc, ông Tăng Khiết, ngụ ấp Hòa Khởi, xã Hòa Đông cứ nhắc trường hợp bị cáo Trần Phi Long (sinh năm 1984), cư trú ấp Trà Teo, xã Hòa Đông bị tuyên án 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. “Họ là anh em cô cậu với nhau, nuôi tôm gần nhau, chỉ vì nghi ngờ người anh em ném cỏ qua vuông tôm của mình mà dùng dao chém người ta. Rồi khi tòa kêu án thì mới giật mình, tôi thấy không đáng, có gì sao không nói cùng nhau, chuyện rất nhỏ mà ”, ông Khiết trần tình.

Phiên tòa xét xử lưu động. Ảnh: SỚM MAI
Phiên tòa xét xử lưu động. Ảnh: SỚM MAI

Tương tự, trường hợp bị cáo Khưu Thị Nha (sinh năm 1991), cư trú ấp Hòa Khởi, xã Hòa Đông phải lãnh án 6 tháng tù (nhưng cho hưởng án treo) về tội cố ý gây thương tích chỉ vì chuyện của trẻ con. Sự việc là con gái 6 tuổi của mình đang chơi đùa với người em họ (chưa đủ 16 tuổi) trước sân nhưng giữa 2 nhà không thuận nên Nha gọi con gái về. Vấn đề không dừng lại ở đó, người mẹ nói xa nói gần với con gái nhỏ, cấm con không được chơi chung, vì chơi chung sẽ bị người ta đánh. Cô em họ tưởng là Nha nói mình đánh bé nhỏ nên cả 2 xảy ra cự cãi, rồi ẩu đả và dẫn đến gây thương tích. Nghe đến đây, chị T.T ngụ ấp Trà Teo, xã Hòa Đông thì thầm: “Chuyện nhỏ mà không hề nhỏ. Con mình chơi cùng em họ gần nhà cũng có sao đâu, 2 nhà không thích nhau là chuyện của người lớn, con nít chơi chung là bình thường mà. Mà những vụ việc các bà mẹ cự cãi, đánh nhau vì bọn trẻ chơi chung xảy ra cũng thường xuyên ở quê tôi. Tôi tưởng là bình thường, ai dè lại phạm tội, phải bị tòa xử”.

Nóng giận là điều khó tránh khỏi khi con người bị một yếu tố ngoại cảnh không hài lòng nào đó tác động. Tuy nhiên, nếu như phản ứng bằng một thái độ nóng giận không thể kiểm soát bằng một loạt thái độ, lời lẽ, hành động không sáng suốt sẽ dẫn đến những kết quả khó lường. Minh chứng như trường hợp của bị cáo Nguyễn Gia Bảo (sinh năm 2005), cư trú Khóm 6, Phường 1, thị xã Vĩnh Châu phải lãnh án 5 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Khi tham gia đòi nợ cùng người anh em, con nợ chấp nhận trả tiền nhưng miệng cứ “lèm bèm” khiến Bảo tức giận và dùng dao đâm con nợ thương tích 50%.

Thông qua các phiên tòa xét xử lưu động, thẩm phán đã giúp cho mọi người thấy được, bất cứ sự việc vi phạm pháp luật nào cũng đều phải bị xử lý theo pháp luật. Bằng thái độ khách quan, nghiêm túc trong quá trình xét hỏi hay trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của các bên trong tranh luận, thẩm phán làm cho những người tham gia tố tụng và đông đảo quần chúng tham dự phiên tòa có thái độ đúng đắn với những hành vi vi phạm pháp luật...

Bằng việc theo dõi phiên tòa một cách trực quan, sinh động, người dân dễ dàng tiếp cận, theo dõi, nắm bắt được các quy định pháp luật, hiểu được điều gì là đúng, là sai, hành vi nào sẽ bị pháp luật trừng trị. Từ đó, các phiên tòa có tác dụng thiết thực trong công tác tuyên truyền pháp luật cho quần chúng nhân dân, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

SỚM MAI