Kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

SỚM MAI 06:08, 08/09/2024

STO - Công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trong hoạt động tư pháp luôn được lãnh đạo viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Sóc Trăng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, thường xuyên của ngành. Từ đó, chất lượng công tác này không ngừng được nâng lên, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân.

Theo đồng chí Lê Nguyễn Trường Sơn - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2023 đến nay, hai cấp đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 581 đơn/574 việc và 100% đơn đã được xử lý, phân loại, giải quyết theo thẩm quyền; kiểm sát việc giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, hai cấp còn tiến hành trực tiếp kiểm sát tại các cơ quan tư pháp 10 cuộc và áp dụng các biện pháp kiểm sát tại cơ quan tư pháp 10 lượt. Qua kiểm sát nhận thấy, các cơ quan tư pháp đã nỗ lực hết mình và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết KNTC. Các trình tự giải quyết KNTC đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người KNTC và người bị KNTC. Hạn chế thấp nhất việc khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp là một quá trình phức tạp đòi hỏi các cơ quan tư pháp, cán bộ được giao nhiệm vụ không chỉ vận dụng toàn diện kỹ năng nghiệp vụ mà còn phải có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan. Chính vì vậy, khi thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt đông tư pháp, viện kiểm sát nhân dân và cán bộ, công chức làm công tác kiểm sát này phải nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và rèn luyện kỹ năng kiểm sát hồ sơ giải quyết. Khi phát hiện có vi phạm về trình tự thủ tục, thẩm quyền, thời hạn giải quyết, viện kiểm sát phải kịp thời áp dụng các biện pháp kiểm sát điển hình như yêu cầu cung cấp hồ sơ giải quyết KNTC để thực hiện quyền kiểm sát. Qua đó, mới kịp thời phát hiện những vi phạm để tham mưu cho lãnh đạo ban hành kết luận, kiến nghị hoặc kháng nghị yêu cầu khắc phục.

Công tác kiểm sát thường xuyên, trực tiếp kiểm sát hoặc áp dụng các biện pháp kiểm sát đối với các cơ quan tư pháp vẫn còn để xảy ra 1 số vi phạm. Đôi lúc, các cơ quan không đóng dấu khi tiếp nhận đơn khiếu nại gửi qua đường bưu chính; không ban hành văn bản yêu cầu người bị khiếu nại giải trình về quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại và cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ liên quan đến nội dung bị khiếu nại. Đôi khi không thực hiện đầy đủ các nội dung theo kế hoạch xác minh; không nêu rõ thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc việc xác minh; giải quyết khiếu nại khi không còn thời hạn giải quyết; chưa thực hiện đúng thể thức, thẩm quyền của báo cáo kết quả xác minh theo quy định. Vẫn còn trường hợp không gửi thông báo về việc thụ lý đơn khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại cho viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện kiểm sát theo thẩm quyền. Thậm chí, có trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra ban hành phiếu chuyển đơn không đầy đủ căn cứ pháp luật, ra quyết định giải quyết khiếu nại chưa đúng thẩm quyền…

Viện kiểm sát nhân dân hai cấp quan tâm thực hiện tốt công tác kiểm sát giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp. Ảnh: SỚM MAI
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp quan tâm thực hiện tốt công tác kiểm sát giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp. Ảnh: SỚM MAI

Mặc dù viện kiểm sát nhân dân hai cấp luôn tăng cường công tác phối hợp, nâng cao công tác kiểm sát việc giải quyết đơn KNTC trong hoạt động tư pháp nhưng thực tế vẫn không tránh được những hạn chế, thiếu sót. Cụ thể, từng lúc, từng nơi chưa thật sự nhịp nhàng với các cơ quan tư pháp liên quan đến công tác trên; đôi lúc chậm phát hiện những vi phạm của các cơ quan tư pháp trong quá trình kiểm sát việc giải quyết KNTC. Công tác tiếp công dân là hoạt động phức tạp, đòi hỏi vừa linh hoạt, mềm dẻo vừa đúng nguyên tắc, đúng quy định pháp luật, trong khi năng lực, trình độ và kỹ năng của một bộ phận cán bộ tiếp công dân trong hai cấp kiểm sát còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hiện một đơn vị kiểm sát cấp huyện chưa có phòng tiếp công dân riêng; một số ít đơn vị thực hiện việc niêm yết nội quy tiếp công dân và các văn bản có liên quan khác chưa đảm bảo theo quy định...

Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên, đồng chí Lê Nguyễn Trường Sơn cho biết, sẽ chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp cùng cấp trong công tác giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp. Các phòng nghiệp vụ, viện kiểm sát cấp huyện sẽ chú trọng thực hiện tốt kiểm sát việc giải quyết KNTC trong tố tụng từ hình sự, tố tụng dân sự đến tố tụng hành chính. Quan tâm kiểm sát việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với hành vi người có thẩm quyền của tòa án nhân dân cùng cấp và cấp dưới trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Quá trình trực tiếp kiểm sát, sẽ kiểm sát toàn diện về nội dung và thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kháng nghị, kiến nghị. Tăng cường kiểm sát, kịp thời ban hành kiến nghị khắc phục vi phạm đối với các cơ quan có thẩm quyền. Cán bộ, kiểm sát viên được giao nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp phải tăng cường nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác kiểm sát.

Giải quyết KNTC và kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp là một trong các khâu công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân. Thực hiện tốt công tác này không chỉ đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân mà còn góp phần giữ vững tình hình an ninh, chính trị tại địa phương và nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần “thượng tôn pháp luật” trong nhân dân.

SỚM MAI