Phiên tòa giả định, hiệu quả thật

SỚM MAI 04:57, 08/10/2024

STO - Hướng đến mục tiêu phù hợp với từng đối tượng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, mô hình “Phiên tòa giả định” được Tòa án nhân dân huyện Kế Sách (Sóc Trăng) chú trọng thực hiện với những hiệu quả thiết thực.

Trong tháng 9/2024, chúng tôi có dịp tham dự phiên tòa giả định tại Trường Trung học phổ thông Thiều Văn Chỏi (xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) và Trường Trung học phổ thông Kế Sách (thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) do Tòa án nhân dân huyện Kế Sách phối hợp với địa phương cùng một số đơn vị có liên quan tổ chức. Đây là mô hình đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật; đưa các tình huống pháp lý về gần hơn với tâm lý của người tham dự. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các “bị cáo” trong buổi xét xử để từ đó tránh những vi phạm tương tự.

Phiên tòa giả định do Tòa án nhân dân huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thực hiện. Ảnh: SỚM MAI
Phiên tòa giả định do Tòa án nhân dân huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thực hiện. Ảnh: SỚM MAI

Tại Trường Trung học phổ thông Thiều Văn Chỏi, tình huống đưa ra xét xử giả định là một thanh niên trưởng thành có tình cảm yêu đương với bé gái dưới 16 tuổi và đã nhiều lần có hành vi vượt quá giới hạn với bé. Mẹ ruột của bé gái phát hiện, đã trình báo cơ quan chức năng. Hội đồng xét xử giả định đã tuyên thanh niên này 4 năm tù về tội thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác giới đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Phiên tòa giả định diễn ra tại Trường Trung học phổ thông Kế Sách với tình huống Tuấn, Toàn, Trinh là bạn học cùng lớp. Một hôm, Tuấn đến nhà của Toàn rủ bạn đi chơi. Trong lúc chờ bạn thay đồ, Tuấn lấy điện thoại bạn và thấy có video clip ghi lại cảnh thân mật giữa Toàn và Trinh. Do có tình cảm với Trinh nên Tuấn ghen tuông và đã gửi video clip cho các bạn trong trường, trường khác để 2 bạn này phải xấu hổ. Biết chuyện, cha Toàn đã trình báo cơ quan chức năng. Hành vi của Tuấn phải lãnh án 6 tháng tù về tội làm nhục người khác nhưng cho hưởng án treo.

Phiên tòa giả định có kịch bản dựa trên những vụ án có thật được dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự, được cán bộ Tòa án nhân dân huyện Kế Sách thực hiện. Khi đó, cán bộ tòa án chú trọng phân tích hành vi vi phạm pháp luật để tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và phát tán hình ảnh trái phép. Nhưng các nội dung trong phiên tòa phải được chọn lọc phù hợp với tình hình tại địa phương, tâm lý lứa tuổi.

Qua đó, giúp cho học sinh hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật. Tại mỗi phiên tòa giả định đã thu hút trên 500 học sinh, thầy cô giáo tham dự và chăm chú lắng nghe. Quan trọng, phần giao lưu và trực tiếp trả lời các câu hỏi sau mỗi phiên tòa đã kịp thời giải đáp thắc mắc, cả những câu hỏi thầy cô, cha mẹ “ngại nói”.

Em Lê Kiều Yến Khoa, học sinh lớp 12A3, Trường Trung học phổ thông Thiều Văn Chỏi thắc mắc: “Sao tòa án xử người thanh niên đó tội nặng vậy? Con thấy họ yêu nhau, chứ đâu ai ép buộc. Nếu xử thì phải xử cả hai, tại sao chỉ có xử người thanh niên mà không xử bé gái kia”.

Còn em Đặng Thị Huyền Trân, học sinh lớp 11A1, Trường Trung học phổ thông Thiều Văn Chỏi thì giả định: “Nếu bé gái bị xâm hại thì có quyền phản kháng không; nếu phản kháng mà lỡ gây thương tích thì có vi phạm pháp luật”. Còn một học sinh khác thì thắc mắc: “Bạn gửi video clip nhạy cảm của 2 bạn khác, phải bị xử lý và phải xin lỗi, bồi thường danh dự cho 2 bạn đó. Nhưng video clip đó là thật mà, sao bạn lại phải bị tội”… và hàng chục, hàng trăm cánh tay sau phiên tòa giả định của các em học sinh thắc mắc liên quan đến nhiều vấn đề và muốn biết pháp luật sẽ xử lý ra sao.

Học sinh có nhiều thắc mắc sau phiên tòa giả định. Ảnh: SỚM MAI
Học sinh có nhiều thắc mắc sau phiên tòa giả định. Ảnh: SỚM MAI

Thầy Hoàng Phong, giáo viên Trường Trung học phổ thông Thiều Văn Chỏi chia sẻ: “Tôi cảm ơn Tòa án nhân dân huyện đã tổ chức phiên tòa giả định và thực hiện tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho các em. Đây là hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa. Có những vấn đề nhạy cảm mà chúng tôi không biết trả lời sao khi các em thắc mắc, đã được cán bộ Tòa án nhân dân huyện trả lời thấu đáo. Hiện nay, các em học sinh rất năng động, mạnh dạn và đặt nhiều vấn đề, có nhiều thắc mắc liên quan đến xã hội, tìm đến giáo viên nhờ tư vấn…”.

Đây là 2 phiên tòa giả định đầu tiên của tòa án nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Thạch Viết Tâm - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Kế Sách cho biết, hiện nay, tội phạm liên quan đến hiếp dâm, giao cấu, thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người chưa thành niên tại địa phương có chiều hướng gia tăng, nhất là xảy ra trong các bé đang lứa tuổi học sinh. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội của huyện và sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của các bé. Để giáo dục, răn đe, phòng ngừa, đơn vị đã xin ý kiến thường trực Huyện ủy để tổ chức 2 phiên tòa giả định trên.

Có thể thấy, “phiên tòa giả định” chính là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sinh động, sát thực tế, đã tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền pháp luật trong tình hình hiện nay. Đây còn là “chìa khóa” quan trọng để tòa án các cấp góp sức xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, tăng cường sự ổn định mọi mặt tại các địa phương.

SỚM MAI