Bẫy lừa việc nhẹ, lương cao

SỚM MAI 04:58, 12/11/2024

STO - Việc nhẹ - lương cao, chiêu trò lừa đảo quen thuộc đã được cơ quan chức năng và các phương tiện truyền thông cảnh báo rất nhiều, nhưng nạn nhân sập bẫy với hình thức lừa đảo này vẫn cứ tiếp diễn. Trong đó, phụ nữ luôn là “con mồi” hấp dẫn đối với những kẻ lừa đảo, mua bán người.

Chiêu trò cũ, nạn nhân mới

Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng. Với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước với nước ngoài, các vụ mua bán người được thực hiện bởi các đối tượng ngày càng chuyên nghiệp. Ðáng chú ý, gần đây xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với cái bẫy “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. Lợi dụng sự bùng nổ của mạng xã hội, tội phạm mua bán người gia tăng hoạt động thông qua Facebook, Zalo... khiến việc phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Thông thường, các nạn nhân của tội phạm mua bán người là các đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, với mục đích bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động.

Phiên tòa tái hiện xét xử vụ án về tội mua bán người để tuyên truyền, phòng ngừa, răn đe. Ảnh: SỚM MAI

Gần đây, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Ngô Thị Mỹ Yên (sinh năm 2002) cư trú khóm Vĩnh Trung, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) với mức án nghiêm khắc là 12 năm tù về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Trước đây, Yên vốn không nghề nghiệp, đi làm thuê, làm mướn với học vấn chỉ hết lớp 9. Vào tháng 7/2023, Yên qua Campuchia ứng tuyển vào Công ty khu Kingcrow do người Trung Quốc quản lý với nhiệm vụ tuyển nhân viên làm việc. Thực chất, đây là công ty lừa đảo và mục đích tuyển nhân viên vào để thực hiện hành vi lừa đảo. Ngoài tiền lương hằng tháng, mỗi trường hợp đưa được người đến Campuchia thì sẽ được trả 200 USD nên Yên cố tìm người, kiếm tiền.

Sau khi được nhận vào làm, Yên đăng lên mạng xã hội Facebook với thông tin gian dối là tuyển mộ người có độ tuổi từ 18 - 35 tuổi, biết sử dụng máy vi tính và có căn cước công dân để làm việc online tại tỉnh Tây Ninh, thu nhập từ 18 - 23 triệu đồng/tháng. Khi đó, em D.H (14 tuổi, quê ở thị xã Vĩnh Châu) đang cần việc làm và tin vào thông tin gian dối trên nên đã liên hệ, chấp nhận đi làm. Theo hướng dẫn, D.H đến tỉnh Tây Ninh làm việc thì bị Yên cùng một số người khác đưa sang Campuchia. Đến đây, D.H được đưa đến khu Sihanouk và giao thực hiện hành vi lừa đảo trên ứng dụng bán hàng Lazada. Làm được khoảng 1 tháng, do áp lực công việc (bị bóc lột sức lao động) nên D.H nghỉ việc thì công ty thu lại thẻ, không cho ăn uống và yêu cầu gia đình chuyển 49 triệu đồng để chuộc về.

Hoàn cảnh nghèo khó còn gặp phải “kiếp nạn”, D.H liên hệ nhưng gia đình không có tiền chuộc. Một thời gian sau, bị công ty đưa ra ngoài và D.H đã đến đồn Công an Campuchia để được hỗ trợ về Việt Nam. Trong quá trình D.H liên lạc cầu cứu, mẹ của bé D.H đến Đồn Biên phòng xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu trình báo; vụ việc được chuyển đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền. Khi về đến nhà, D.H đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trình báo. Trong quá trình điều tra, Yên khai nhận ngoài lừa gạt, tuyển mộ đưa D.H qua Campuchia, với cách thức tương tự, đã lừa gạt, tuyển mộ thêm một người phụ nữ khác nữa.

Phần lớn, các nạn nhân của tội phạm mua bán người đều có hoàn cảnh khó khăn. Cũng rơi vào địa bàn thị xã Vĩnh Châu, em T (sinh năm 2006) quá khó khăn nên đầu tháng 3/2024, đã tìm đến người phụ nữ tên Huy để được mai mối có chồng nước ngoài. Khi đó, bà Huy hứa sẽ làm mai lấy chồng Trung Quốc; thế mà lại lừa T đến Hà Nội nhốt cùng một số phụ nữ khác, không cho liên hệ với gia đình; mục đích bán T sang nước ngoài. May mắn, T cùng những người phụ nữ khác bỏ trốn lên rừng và được bộ đội biên phòng giải cứu; được công an hỗ trợ đưa về đến thị xã Vĩnh Châu…

Cơ quan chức năng đánh giá, tội phạm mua bán người có độ ẩn cao và có thể “ẩn nấp” hầu hết ở các địa phương. Hiện tại, các vụ án mua bán người được phát hiện chủ yếu qua đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân. Đáng lưu ý, các vụ mua bán người còn trá hình dưới hình thức hợp đồng lao động, thực chất là bị bán vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, cơ sở lao động với đồng lương ít ỏi và bị bóc lột sức lao động.

Các cơ quan chức năng chia sẻ, thảo luận và đề ra những giải pháp để nâng cao quyền năng kinh tế phụ nữ và hỗ trợ phụ nữ bị mua bán trở về. Ảnh: SỚM MAI

Quan tâm và cảnh giác

Để phòng, chống tội phạm mua bán người, mọi cá nhân cần phải hiểu và nâng cao ý thức tự giác. Chính vì thế, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, UBND thị xã Vĩnh Châu tái hiện lại phiên tòa về tội mua bán người của Ngô Thị Mỹ Yên nhằm mục đích tuyên truyền, răn đe và phòng ngừa. Đồng chí Thạch Thị Kế Rin - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đời sống, giải quyết việc làm cho người dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con, chị em phụ nữ phải tỉnh táo trước những chiêu trò lừa đảo của kẻ gian; nếu có nhu cầu việc làm phải liên hệ cơ quan chức năng có thẩm quyền để được giới thiệu, hỗ trợ”.

Trước tình hình tội phạm và chiêu trò lừa đảo, đồng chí Lê Thanh Vũ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng khẳng định: “Trong cuộc sống, công sức lao động sẽ luôn tương xứng với giá trị tiền nhận được; không thể có chuyện việc nhẹ, lương cao…”. Theo nhìn nhận của đồng chí Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, chị em trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người vì điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và tình trạng thiếu việc làm vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Rồi một bộ phận trẻ em gái nghỉ học sớm, lười lao động, nghe theo lời dụ dỗ và một số chị em bị bạo lực gia đình (tinh thần, thể xác) muốn thoát khỏi gia đình mình, bỏ đi khỏi nơi cư trú… là 3 nguyên nhân chính dễ rơi vào cạm bẫy của kẻ buôn người.

Lãnh đạo các cấp hội phụ nữ gửi những thông điệp với quyết tâm bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái trước tội phạm mua bán người. Ảnh: SỚM MAI
Lãnh đạo các cấp hội phụ nữ gửi những thông điệp với quyết tâm bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái trước tội phạm mua bán người. Ảnh: SỚM MAI

Để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em gái, các cấp hội phụ nữ đã đẩy mạnh công tác phối hợp triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người gắn với thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, Phụ nữ Sóc Trăng tình nghĩa, tự tin, sáng tạo, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các chương trình, đề án, dự án của hội. Từ đó, góp phần tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động phòng ngừa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên, phụ nữ, con em trong gia đình trước những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các loại tội phạm mua bán người. Chú trọng kỹ năng phòng ngừa tự vệ, tự bảo vệ bản thân trước các loại tội phạm. Đặc biệt, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng cụ thể, từng địa bàn dân cư, từng tổ, nhóm, câu lạc bộ phụ nữ ở các địa phương, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Song song đó, huy động hiệu quả mọi nguồn lực hỗ trợ công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên phụ nữ; hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, giới thiệu việc làm, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng…

Dự báo trong thời gian tới, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng về số vụ, số nạn nhân. Các đối tượng mua bán người tiếp tục tăng cường sử dụng công nghệ để xây dựng mối quan hệ với nạn nhân. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại cần phải báo động và nâng cao cảnh giác.

SỚM MAI