Theo Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Nhưng trên thực tế, bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực không phải bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng đều tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Có nhiều trường hợp họ cố ý gây khó khăn, cản trở, thậm chí chống đối việc thi hành án. Do vậy, bắt buộc cơ quan THADS phải dùng biện pháp “mạnh” theo quyền năng của mình.
Tại Sóc Trăng, năm 2021, cơ quan THADS đã áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất đối với 116 trường hợp; năm 2022 là 131 trường hợp; năm 2023 là 161 trường hợp và năm 2024 là 109 trường hợp do người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án. |
Cục THADS phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn có liên quan để tháo gỡ khó khăn trong công tác. Ảnh: SỚM MAI |
Theo đồng chí Lê Việt Khải - Phó Cục trưởng Cục THADS, để tổ chức thực hiện cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất trong một vụ việc THADS thành công cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan, nhất là sự phối hợp của cơ quan đăng ký đất đai. Xác định được tầm quan trọng đó, Cục THADS với Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký kết quy chế về việc phối hợp trong công tác THADS trên địa bàn tỉnh vào ngày 11/7/2019. Từ năm 2021 đến nay, Cục THADS đã chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với 36 trường hợp phức tạp. Đồng thời, còn trao đổi và đi đến thống nhất quan điểm trong việc hướng dẫn xử lý một số trường hợp cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất; giao quyền sử dụng đất theo nội dung bản án của tòa án đã tuyên. Qua đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác THADS.
THADS hai cấp thường xuyên nghiên cứu, thảo luận, trao đổi để nâng cao chất lượng công tác. Ảnh: SỚM MAI |
Tuy nhiên, công tác cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất để thi hành án vẫn còn gặp không ít những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện như: kê biên quyền sử dụng đất nằm trong hành lang lộ giới; quyền sử dụng đất thuộc diện quy hoạch; quyền sử dụng đất nhưng trên đất có công trình xây dựng không phù hợp với mục đích sử dụng đất; quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy hoặc quyền sử dụng đất hết thời hạn sử dụng... Đây là những vấn đề rất cần sự phối hợp kịp thời của cơ quan chuyên môn. Nhưng đôi lúc, do công việc chuyên môn nhiều nên một số vụ việc cơ quan đăng ký đất đai còn chậm trong việc phối hợp cung cấp thông tin; cung cấp sơ đồ, bảng vẽ cho cơ quan THADS (đối với các vụ việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất). Từ đó, kéo theo việc chậm đưa tài sản ra thẩm định giá, bán đấu giá dẫn đến vi phạm về mặt thời gian và hậu quả là cơ quan THADS có thể bị viện kiểm sát kiến nghị, đương sự khiếu nại, tố cáo.
Trước những khó khăn trên, đồng chí Lê Việt Khải cho biết, sẽ tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp đã ký kết giữa Cục THADS với Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện quy chế, tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp thiết thực để khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp. Lãnh đạo hai cấp sẽ tiếp tục quán triệt và xác định rõ công tác phối hợp trong hoạt động THADS là công việc thường xuyên, không thể thiếu trong tác nghiệp. Khi đó, sẽ tích cực, chủ động đề xuất nội dung phối hợp với các đơn vị có liên quan; kịp thời trao đổi làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, cũng như những bất cập trong các quy định của pháp luật để có hướng tháo gỡ hoặc xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Đối với những trường hợp cơ quan THADS đề nghị phối hợp cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án hoặc những trường hợp cơ quan THADS đã áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản là quyền sử dụng đất để thi hành án thì đề nghị cơ quan đăng ký đất đai cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, kịp thời cung cấp thông tin về tài sản; cung cấp sơ đồ, bảng vẽ cho cơ quan THADS để làm căn cứ đưa tài sản ra thẩm định giá, bán đấu giá đảm bảo về mặt thời gian theo quy định của pháp luật.
Đề nghị, cần có cơ chế quản lý, giám sát đối với các công ty đo đạc trong việc đo vẽ và cung cấp sơ đồ, bảng vẽ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp (tòa án, THADS). Các sơ đồ, bảng vẽ của công ty đo đạc khi cung cấp cho cơ quan tòa án, cơ quan THADS cần phải có sự kiểm tra, xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai (cơ quan tài nguyên và môi trường hoặc cơ quan đăng ký đất đai) để đảm bảo sự đồng nhất về số liệu. Tránh trường hợp số liệu đo đạc theo bản án của tòa án (do công ty đo đạc cung cấp) và số liệu đo đạc thực tế khi cơ quan THADS giao tài sản (do cơ quan đăng ký đất đai cung cấp) có sự sai lệch. Từ đó dẫn đến khó khăn cho cơ quan THADS trong việc tổ chức giao tài sản, cũng như khó khăn cho cơ quan đăng ký đất đai trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được thi hành án theo nội dung bản án của tòa án đã tuyên. Bên cạnh đó, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sóc Trăng cần xem xét có hướng dẫn cụ thể về mặt nghiệp vụ cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện đối với trường hợp bản án của tòa án tuyên hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trường hợp không xác định được ranh đất do người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử đất không có ở địa phương, hiện trạng thửa đất thay đổi so với giấy chứng nhận được cấp để làm cơ sở cho cơ quan THADS thực hiện việc kê biên xử lý tài sản, đảm bảo thi hành án.
Phối hợp chặt chẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để tháo gỡ khó khăn liên quan trong việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất.
Đồng chí Nguyễn Văn Đời - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã khẳng định:
Hai ngành có sự phối hợp tích cực sẽ từng bước khắc phục được khó khăn, tất cả vì trách nhiệm chung.
Trước việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, sẽ hứa hẹn một kết quả khả quan cho công tác THADS vào năm mới.
SỚM MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin