Trong giai đoạn 2020 - 2024, Thanh tra tỉnh đã triển khai và kết thúc 64 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó 30 cuộc thanh tra theo kế hoạch; 30 cuộc thanh tra đột xuất; 2 cuộc thanh tra chuyên đề và 2 cuộc kiểm tra đột xuất. Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 95,5 tỷ đồng và 104 tấn gạo; kiến nghị thu hồi vào ngân sách nhà nước hơn 55 tỷ đồng, truy thu thuế hơn 19,6 tỷ đồng, xử lý khác hơn 24,86 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 40 tập thể, 842 cá nhân có sai phạm; chuyển điều tra 3 vụ, 7 đối tượng. Từ kết quả thanh tra, Thanh tra tỉnh đã đề nghị các đơn vị có sai phạm phải chấn chỉnh công tác quản lý, rút kinh nghiệm và khắc phục những sai sót. Các kiến nghị, đề xuất của kết luận thanh tra Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo thực hiện và các đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra thống nhất cao và nghiêm túc thực hiện. Đạt được kết quả trên là do sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và sự chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên môn của Thanh tra Chính phủ.
Công tác thanh tra trong những năm gần đây đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Ảnh: KIM NGỌC |
Đồng chí Lê Tấn Đạt - Phó Chánh Thanh tra tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong thời gian tới, nhiệm vụ của ngành Thanh tra nói chung và lĩnh vực thanh tra kinh tế nói riêng cũng rất nặng nề. Do đó, công chức toàn ngành Thanh tra của tỉnh phải luôn phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, đặc biệt là đối với lĩnh vực thanh tra kinh tế, lĩnh vực có nhiều va chạm và cám dỗ. Nhằm thực hiện tốt công tác lãnh đạo thanh tra kinh tế trong thời gian tới, ngành Thanh tra đã có một số giải pháp.
Cụ thể, trong công tác thanh tra phải thường xuyên đổi mới phương pháp làm việc, phát huy dân chủ để đối tượng thanh tra, người khiếu nại, tố cáo và đối tượng có liên quan được giải trình thỏa đáng làm rõ các nội dung trước khi kết luận, đảm bảo các kết luận chính xác, khách quan và có tính khả thi cao. Luôn lắng nghe ý kiến của người dân để hiểu và nắm bắt được các bức xúc của nhân dân, từ đó có những giải pháp giải quyết vấn đề một cách căn cơ, phù hợp, thấu tình đạt lý. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trưởng đoàn thanh tra và các thành viên phải tuyệt đối chấp hành các quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, cũng như các quy định khác của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn, thanh tra viên là thành viên đoàn thanh tra. Triển khai thực hiện nghiêm và có hiệu quả việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra.
Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp thường xuyên chỉ đạo sâu sát đối với lĩnh vực thanh tra, kịp thời có văn bản chỉ đạo xử lý đối với các kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh tra cũng như xử lý kiên quyết các trường hợp sai phạm, các vấn đề mà đối tượng thanh tra cố tình không thực hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước. Chủ động nắm bắt tâm tư, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, từ đó kịp thời giải quyết những khó khăn của cán bộ, đảng viên để họ an tâm công tác, đóng góp vào sự thành công chung của toàn ngành.
Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân. Thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ hành chính, quản trị, nghiên cứu, tổng hợp, đặc biệt là thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, tạo điều kiện phục vụ toàn bộ hoạt động của cơ quan, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch với hiệu quả cao nhất.
Theo Phó Chánh Thanh tra tỉnh Lê Tấn Đạt, là một cán bộ thanh tra so với công chức khác thì cần phải có các đức tính đặc trưng như Bác Hồ đã căn dặn: đó là “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” phải “như cái gương cho người ta soi mặt”, phải “là tai mắt của trên là người bạn của dưới” và phải có bản lĩnh vượt qua mọi thách thức, cám dỗ từ đó mới nhận thức một cách tốt nhất các nhiệm vụ được phân công, xứng đáng là cánh tay nối dài của lãnh đạo trong việc giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với cá nhân, tổ chức trong phạm vi quản lý. Từng cán bộ, công chức ngành Thanh tra phải ý thức được rằng phải luôn “cố gắng học tập cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt” theo lời Bác Hồ dạy, để xứng đáng là người vinh dự được phục vụ trong hệ thống cơ quan thanh tra.
Trên cơ sở đó cùng với những nỗ lực chung, toàn ngành Thanh tra trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện thành công các nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tín nhiệm giao cho ngành Thanh tra, từ đó góp phần đưa tỉnh nhà vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
KIM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin